Việt Nam lên tiếng về phán quyết của Hàn Quốc liên quan đến vụ thảm sát Quảng Nam 1968

PV
08:45 - 10/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, Việt Nam quan tâm theo dõi phán quyết của tòa án Seoul liên quan đến vụ thảm sát do lính Hàn Quốc thực hiện ở Quảng Nam năm 1968 và rất coi trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/2/2023, khi được hỏi về phán quyết của Tòa án Trung tâm Quận Seoul liên quan vụ thảm sát của thủy quân lục chiến Hàn Quốc tại làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam năm 1968, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi phán quyết của tòa án Hàn Quốc và rất coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. 

Việt Nam lên tiếng về phán quyết của Hàn Quốc liên quan đến vụ thảm sát Quảng Nam 1968 - Ảnh 1.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ông cũng khẳng định trên tinh thần gác lại quá khứ, Việt Nam muốn cùng Hàn Quốc phát triển quan hệ chiến lược toàn diện và khuyến khích khắc phục hậu quả chiến tranh.

Năm 1968, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của Hàn Quốc đã xả súng thảm sát hơn 70 người ở làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong nhiều vụ thảm sát mà quân đội nước ngoài gây ra cho người dân Việt Nam trong những năm của thế kỷ XX.

Bà Nguyễn Thị Thanh là nạn nhân mất gia đình trong vụ thảm sát này. Bà Thanh khi đó 8 tuổi, chứng kiến binh sĩ Hàn Quốc sát hại mẹ và hai chị em của bà, đốt phá nhà cửa rồi bỏ đi. Bản thân bà cũng bị bắn và bị thương.

Bà Thanh chính thức khởi kiện Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2020, yêu cầu bồi thường 30 triệu won (khoảng 560 triệu đồng).

Ngày 7/2/2023, Tòa án Trung tâm Quận Seoul đã phán quyết Chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường 30 triệu won (khoảng 24.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh.

Việt Nam lên tiếng về phán quyết của Hàn Quốc liên quan đến vụ thảm sát Quảng Nam 1968 - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh (giữa) - nhân chứng vụ thảm sát Phong Nhị tại Hàn Quốc năm 2019. Ảnh: Yonhap

Số tiền bồi thường mà hội đồng xét xử đưa ra dựa theo tính chất vi phạm pháp luật của vụ việc, tuổi của nguyên đơn, mức độ thiệt hại, mức độ xâm phạm quyền con người và mức bồi thường trong các vụ án tương tự được tòa án các cấp đưa ra trước đó.

Trong quá trình xét xử, nhiều nhân chứng, như binh lính tham chiến trong chiến tranh Việt Nam và người chứng kiến sự việc, đã trực tiếp làm chứng trước tòa.

Theo Hãng tin Yonhap, hội đồng xét xử thừa nhận rằng ngày 12/2/1968, binh lính thuộc Đại đội 1, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến của quân đội Hàn Quốc sát hại hơn 70 dân thường ở làng Phong Nhị, trong đó có người thân của nguyên đơn. Tòa cũng bác quan điểm của chính phủ Hàn Quốc rằng họ được miễn trừ đối với vụ kiện yêu cầu bồi thường của một công dân Việt Nam.

Theo Tòa án, "thực tế là các thành viên trong gia đình nguyên đơn đã thiệt mạng tại địa điểm này và bà Thanh phải chịu nhiều vết thương nghiêm trọng do quân đội Hàn Quốc gây ra. Sự việc là "hành động phạm pháp rõ ràng".

Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1968 tại Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa bình luận về phán quyết. Bộ Ngoại giao nước này cho biết Hàn Quốc và Việt Nam đã "đạt được tiến bộ chưa từng thấy trong quan hệ 30 năm qua, dựa trên nguyên tắc "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai'".

Sau phán quyết của Tòa án, bà Thanh cho biết "vô cùng vui mừng" và quyết định này "sẽ là niềm an ủi hương linh những người thiệt mạng".