3 Chương trình mục tiêu quốc gia - nhiều nhiệm vụ cấp bách trước mắt

Dũng Minh
16:34 - 08/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng ngày 8/4 tại Nhà Quốc hội, diễn ra buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tiễn - Ảnh 1.

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có tới 21/42 điều còn nhiều bất cập. Ảnh: Quochoi.vn

Nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát đã yêu cầu đánh giá kỹ nguyên nhân, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo khái quát việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia); đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát sơ bộ về nội dung này.

Phát biểu tại buổi làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, trình ban hành các văn bản về quản lý, điều hành các chương trình nhưng văn bản ban hành chưa đảm bảo tính kịp thời.

Một số văn bản ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chưa bảo đảm tính thống nhất, tính phù hợp và tính khả thi.

21/42 điều tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP còn bất cập

Cụ thể, tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có tới 21/42 điều còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tiễn - Ảnh 3.

Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong 21 điều vướng mắc có 16 điều cần phải được Chính phủ sửa đổi, bổ sung và có những vấn đề mới cần được quy định cụ thể trong Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Việc tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa kịp thời. Theo Công điện số 71 của Thủ tướng, có 339 kiến nghị của địa phương về các vướng mắc trong thực hiện và đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản hướng dẫn, trong đó chủ yếu liên quan đến Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Tính đến cuối tháng 3/2023 có 14/18 bộ, cơ quan trung ương ban hành khoảng 54 văn bản giải thích, hướng dẫn, xử lý 253/339 kiến nghị của địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu sửa đổi, theo quy trình rút gọn đối với 33 kiến nghị đề xuất của địa phương nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp trong việc giao kế hoạch vốn, phân bổ vốn tuy nhiên việc giao vốn sự nghiệp ngân sách trung ương còn rất nhiều bất cập; chưa phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương theo giai đoạn vì chưa thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt thấp; nhiều nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa triển khai thực hiện được; một số nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn vướng mắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới

Một số ý kiến tại buổi làm việc cũng cho rằng, với trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo tổng hợp vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các chương trình, chưa đánh giá công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp báo cáo về kết quả, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, sau buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm đã có 11 ý kiến của thành viên Đoàn giám sát đề cập đến 48 nhóm vấn đề thuộc 7 nội dung trọng tâm.

Trên cơ sở báo cáo của Tổ công tác và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt kết quả nhất định nhưng còn tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới chủ trì sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP; đồng thời tiếp tục cân đối nguồn vốn sự nghiệp với vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân nguồn vốn; đánh giá mô hình Ban chỉ đạo ở trung ương và địa phương…

Nguồn: Quochoi.vn