Khai mạc Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang Minh
10:08 - 15/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 15/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ đã khai mạc với nhiều nội dung quan trọng.

Khai mạc Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương sẽ luân phiên điều hành phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng đại diện các cơ quan hữu quan; cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là phiên họp thường kỳ nhưng rất nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu về 3 dự án Luật, gồm: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Xem xét, ban hành Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2/2023.

Cũng tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về 2 lĩnh vực, đó là Tòa án và Kiểm sát.

Theo dự kiến chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong 4 ngày và kết thúc vào ngày 20/3.

Về những nội dung lớn của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, gồm 7 dự án luật và một dự án đầu tư.

Đây đều là những dự án luật quan trọng đối với việc hoàn thiện thể chế phát triển theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết khác của Đảng, có phạm vi tác động và ảnh hưởng rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở báo cáo của các ủy ban, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với các nội dung của dự thảo luật, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn đang vướng mắc, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý; sau đó, tiếp tục cho ý kiến toàn diện về dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.


Nguồn: TTXVN/Tổng hợp