215.000 sông băng trước nguy cơ biến mất

PV
06:10 - 07/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất so với thời kỳ tiền công nghiệp được nhắc đến trong Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11/2022. Mới đây theo một nghiên cứu khoa học, nếu trái đất tăng thêm 2,7 độ C, phần lớn các con sông băng trên Trái đất sẽ biến mất.

Trái đất tăng thêm 2,7 độ C - hầu hết các sông băng sẽ biến mất - Ảnh 1.

Sông băng ở Trung Âu, miền Tây Canada, Mỹ và New Zealand sẽ biến mất gần như hoàn toàn nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục nóng lên. Ảnh: Roxanne

 Hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Tạp chí Science số ra ngày 5/1 đã đăng tải một nghiên cứu mới dựa trên số liệu từ hơn một trăm nghìn sông băng trên Trái đất. Theo đó, biến đổi khí hậu sẽ làm biến mất sông băng vào cuối thế kỷ này, đặc biệt là những sông băng nhỏ.

 Nghiên cứu cũng chỉ ra, những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu có thể cứu những con sông băng. Công bố này đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất cho đến nay về tương lai của 215.000 sông băng trên thế giới.

Các tác giả nghiên cứu đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, nhằm hạn chế những hậu quả do sông băng tan, như mực nước biển dâng, cạn kiệt nguồn nước. 

Để giúp định hướng các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của 4 kịch bản đối với sông băng, trong đó dựa trên sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.

Ngay cả khi mức tăng nhiệt của Trái đất bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới.

Sự biến mất của các sông băng

Nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính sẽ tăng thêm 2,7 độ C, dẫn đến sự biến mất gần như hoàn toàn của các sông băng ở Trung Âu, miền Tây Canada, Mỹ và New Zealand.

Theo bà Regine Hock của Đại học Osla và Đại học Alaska Fairnk, đồng tác giả của nghiên cứu, những khu vực có tương đối ít băng như dãy núi Alps ở châu Âu, Caucasus, Andes hay miền Tây nước Mỹ, mất hầu hết toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải nào. 

Trong kịch bản xấu nhất là nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C, các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và 83% sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Bà Hock nêu rõ: "Các sông băng mà chúng tôi đang nghiên cứu chỉ chiếm 1% tổng số băng trên Trái đất và ít hơn nhiều so với dải băng Greenland và dải băng Nam Cực. Tuy nhiên, sông băng tan chảy đã góp phần làm mực nước biển dâng gần bằng với lượng băng ở Greenland và Nam Cực cộng lại trong ba thập kỷ qua".

Nhiệt độ của Trái đất tăng 1,5 độ C sẽ gây ra mực nước biển trung bình tăng 9 cm trong khi nhiệt độ tăng 4,0 độ C sẽ khiến mực nước biển dâng cao 15 cm. Theo bà Hock, mực nước biển dâng phần lớn có liên quan tới sự gia tăng số lượng cơn bão, nguyên nhân có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Sự biến mất của sông băng cũng sẽ tác động đến tài nguyên nước vì sông băng là nguồn cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỷ người trên Trái đất. Bà Hock nói: "Các sông băng bù đắp lượng nước mất đi vào mùa Hè khi thời tiết nóng nực và ít mưa".

Bà Hock nhấn mạnh các nước cần nỗ lực hơn nữa để hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giảm tổn thất hàng loạt do biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11 năm 2022 đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vấn đề bồi thường khí hậu dù lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức nhưng đã đạt được bước tiến lịch sử và được coi là hy vọng mới trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại". Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù chung, bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và nhiều hòn đảo do mực nước biển dâng cao.

Nguồn: Tổng hợp