12 nhóm nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo Nghị quyết 18

Trần Vũ
06:30 - 08/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định nhiều định hướng chính sách đất đai, nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013. Công dân và Khuyến học trích đăng 12 nhóm nhiệm vụ cơ bản.

12 nhóm nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo Nghị quyết 18  - Ảnh 1.

Nghị quyết số 18 xác định nhiều định hướng chính sách đất đai, nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013. Ảnh: tapchitaichinh.vn

Trao đổi với phóng viên Công dân và Khuyến học về quá trình đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:

4 lần đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013

Kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật này. Cụ thể:

Lần đầu tiên vào năm 2016 với mục tiêu mở rộng hạn mức, quyền giao dịch đối với đất nông nghiệp để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Lần thứ hai vào năm 2018 với mục tiêu tạo khung pháp lý cho phát triển phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng kiểu mới (sau khi vụ đại dự án Cocobay không còn khả năng tiếp tục hoạt động).

Lần thứ ba vào năm 2020 với mục tiêu giải quyết những ách tắc trong phê duyệt các dự án phát triển bất động sản nhà ở đang có xu hướng làm nghẽn cung trên thị trường. 

Lần thứ tư cũng vào năm 2020 với mục tiêu kiểm soát tốt việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đứng làm chủ các dự án đầu tư hoặc mượn tên các nhà đầu tư trong nước đối với các khu vực đất có nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, sau khi nghe Báo cáo của Bộ Quốc phòng tại Quốc hội.

Nghị quyết số 18 xác định nhiều định hướng chính sách đất đai, nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013

Vào năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương bắt đầu quá trình xây dựng một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương để định hướng các chính sách đất đai nhằm tạo khung để sửa đổi Luật Đất đai 2013.Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". 

Nghị quyết 18-NQ/TW đã xác định nhiều định hướng chính sách đất đai, nhiệm vụ cần làm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013, cụ thể bao gồm một số nhóm nhiệm vụ cơ bản như sau:

Nhóm nhiệm vụ thứ 1: Tìm giải pháp khắc phục tình trạng xung đột pháp luật giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan.

Nhóm nhiệm vụ thứ 2: Đổi mới sắc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp nhằm đánh với mức thuế cao hơn đối với những trường hợp đầu cơ đất; có đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng đất hiệu quả yếu kém; để đất hoang hóa và miễn, giảm thuế đối với những vùng còn khó khăn; vùng mà người dân phải đảm nhiệm các nhiệm vụ sử dụng đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ rừng (nội dung này không thuộc nhiệm vụ sửa đổi Luật Đất đai).

Nhóm nhiệm vụ thứ 3: Đồng bộ quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp gồm quốc gia, tỉnh và huyện. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Nhóm nhiệm vụ thứ 4: Quá trình chuyển dịch đất đai bắt buộc từ khâu Nhà nước thu hồi đất đến khâu Nhà nước giao đất, cho thuê đất với các định hướng chính sách bao gồm: Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng; Quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn; Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi; Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất trực tiếp cho nhà đầu tư.

Nhóm nhiệm vụ thứ 5: Về chuyển dịch đất đai tự nguyện, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại và cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Nhóm nhiệm vụ thứ 6: Về định giá đất, bỏ khung giá đất. Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên. Bảo đảm các quy định về công khai, minh bạch trong định giá đất.

Nhóm nhiệm vụ thứ 7: Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.

Nhóm nhiệm vụ thứ 8: Đối với đất nông nghiệp, mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, gắn với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất; có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.

Nhóm nhiệm vụ thứ 9: Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, trong đó có đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh.

Nhóm nhiệm vụ thứ 10: Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Nhóm nhiệm vụ thứ 11: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Nhóm nhiệm vụ thứ 12: Kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.

Bước vào giai đoạn sửa đổi Luật Đất đai từ nửa cuối năm 2022, Quốc hội đã quyết định Luật Đất đai sửa đổi được dự thảo, thẩm định, xem xét và thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội. Ngày 27/9/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 4 để Quốc hội xem xét, thẩm định và cho ý kiến lần thứ nhất. Tiếp tục là quá trình lấy ý kiến toàn dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Trước 12 triệu ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo gửi Chính phủ về kết quả lấy ý kiến toàn dân và đề xuất các biện pháp tiếp thu các ý kiến góp ý đã nhận được để định hướng tiếp tục hoàn chỉnh Luật Đất đai sửa đổi.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi lấy ý kiến toàn dân. Quốc hội đã cho thảo luận ở tổ và cho thảo luận tại hội trường ngày 21/6/2023. Nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội rất đáng quan tâm để tiếp thu. Mặt khác, từ các ý kiến thảo luận cũng cho thấy nhiều nội dung vẫn còn các khoảng hở, nhiều quy định còn chưa nhất quán, và nhiều điều luật chưa bảo đảm tính trong sáng, đơn nghĩa; một số khái niệm pháp luật chưa được xác định, có thể gây khó khăn trong thực thi. Bên cạnh đó, Chương cuối cùng về "điều khoản thi hành" đã có nội dung sửa đổi hàng loạt Luật có liên quan, nhưng nội dung Luật Đất đai gắn rất mật thiết với Bộ luật Dân sự lại chưa được quan tâm.