Yêu thương, lắng nghe và chia sẻ giúp trẻ tìm được cách học và phát triển bản thân
Mỗi đứa trẻ dù có những khiếm khuyết đều xứng đáng được yêu thương và được yêu thương vì chính những khác biệt đó. Mỗi em là một cá thể đặc biệt và sẽ tỏa sáng theo cách đặc biệt của mình.
Yêu thương, cảm thông và chia sẻ
Nhiều trẻ nhỏ tuy có trí thông minh bình thường, thậm chí trên mức bình thường nhưng lại vẫn phải vật lộn với một số vấn đề đơn giản như khả năng tiếp thu hay khả năng đọc, nói, viết. Cũng bởi vậy nên các em thường cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc tự ti, và không thể học tập tại lớp bình thường như những bạn đồng trang lứa.
Chương trình định hướng Eye to Eye do David Flink, sống tại New York (Mỹ), khởi xướng đã giúp nhiều em tìm được cách học và phát triển bản thân.
Từ khi còn nhỏ, David Flink đã rất thích đến trường học. Nhưng cảm giác này thích đến trường học này chỉ có đến hết lớp 1 mà thôi. Lên đến lớp 2, David bắt đầu gặp phải nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt là việc đọc và ghép chữ. Khi đó, David không hề biết rằng mình bị mắc chứng khó đọc và rối loạn tăng động giảm chú ý, những triệu chứng điển hình của khuyết tật học tập. Điều này khiến choDavid cảm thấy chán nản, và chọn cách quậy phá, nghịch ngợm để thể hiện bản thân.
David cho biết, thậm chí đã có thời điểm mà bàn học của anh bị thầy cô giáo chuyển ra hành lang để không làm ảnh hưởng đến các bạn cùng lớp. Cảm giác đơn độc và bị cô lập cứ tiếp tục theo chân anh đến trường như vậy cho đến một ngày, anh gặp được người cố vấn đầu tiên của mình.
Anh David Flink chia sẻ: Có một ngày, Jim – người lao công trong trường đã bắt chuyện với tôi. Tôi bỗng thấy một cảm giác thân thuộc và đầy tình yêu thương nhất mình có được khi ở trường. Tôi thì học ngoài hành lang, anh ấy cũng thường xuyên dọn dẹp ở đó, nên chúng tôi có rất nhiều thời gian để trò chuyện với nhau. Anh ấy thực sự là một người vô cùng tốt bụng và đã truyền cho tôi động lực đến trường, giúp đỡ tôi rất nhiều.
Những ngày sau đó, David và Jil cùng nhau chơi cờ vua, chuyện trò về gia đình, trường lớp, thầy cô, và điều đó khiến David Flink trút bỏ cảm giác nặng nề đeo bám mình suốt nhiều năm trước đó. David trở nên tự tin hơn, thoải mái thể hiện khả năng của mình hơn, và cuối cùng đã tốt nghiệp trung học loại khá và sau đó theo học tại Đại học Brown.
Tạo ra một không gian an toàn, mang đến cơ hội để các em nhỏ chia sẻ
David nói, khi lớn lên, tôi nhận ra rằng, mọi người đều rất cố gắng vì tôi, dù có khó khăn đến đâu. Vì vậy, tôi cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ đóng góp lại cho xã hội. David Flink vẫn gọi bác bảo vệ năm nào là "người cố vấn" đầu tiên trong cuộc đời mình. Và sau này khi nghiên cứu, David Flink hiểu được rằng, giữa "người cố vấn" và những trẻ em mắc chứng tăng động, giảm chú ý thường có sự tương hợp về DNA. Đó chính là điều mang lại cho họ cảm giác tin tưởng lẫn nhau ngay từ lần gặp đầu tiên.
Khi lên đại học, David có cơ hội được tiếp xúc với một cộng đồng những sinh viên bị khuyết tật học tập như mình. Cùng với họ, anh đã khởi xướng chương trình cố vấn đặc biệt Eye to Eye cho các học sinh tiểu học mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý. Chương trình định hướng này kéo dài 18 tuần, sử dụng nghệ thuật để giúp các em thể hiện bản thân. Eye to Eye tạo ra một không gian an toàn, mang đến cơ hội để các em nhỏ chia sẻ về trải nghiệm của mình, và tìm được điều gì là tốt nhất cho mình, điều gì có thể giúp mình học tập hiệu quả hơn.
David nói: Chúng tôi tạo ra những không gian để trẻ em gặp khiếm khuyết về học tập và người cố vấn của mình có thể thoải mái nói chuyện với nhau. Ở mỗi đứa trẻ, đằng sau những biểu hiện, những việc làm mà nhiều người đánh giá là chưa tốt, chưa được, luôn có những tiềm năng cần được phát triển, và chúng tôi muốn giúp các em khai phá ra tiềm năng đó.
Sau 20 năm hoạt động, Eye to Eye giờ đây đã trở thành một tổ chức phi lợi nhuận trên cả nước, nhằm kết nối những em nhỏ bị khuyết tật học tập với những cố vấn phù hợp. Tổ chức hiện có mặt tại 150 trường học với hơn 1.350 cố vấn. Đặc biệt, rất nhiều người trong số những cố vấn này trước đây cũng từng là học viên của Eye to Eye. Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, anh David Flink cho biết: Chúng tôi có những người hướng dẫn vô cùng tuyệt vời, sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của trẻ, dẫn dắt cho trẻ, và sẵn sàng chia sẻ về câu chuyện của mình một cách cởi mở.
Tôi cũng luôn cảm thấy hạnh phúc khi được biết rằng những em nhỏ bị khuyết tật học tập nhưng nhờ tham gia vào chương trình định hướng Eye to Eye mà các em đã tự tin hơn, và thấu hiểu trải nghiệm của những người khác. Đó cũng chính là điều chúng ta cần trong cuộc sống. Chúng ta cần yêu thương và cảm thông cho nhau dù có khác biệt như thế nào.
Niềm hy vọng của anh David Flink đối với chương trình Eye to Eye có lẽ sẽ mãi không thay đổi. Anh vẫn sẽ luôn nỗ lực hết mình để động viên, khuyến khích những em nhỏ bị khuyết tật học tập có thể tự tin vào bản thân và giành được những gì xứng đáng với mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google