Yêu cầu tỷ lệ nữ phải đạt ít nhất 40% trong hội đồng quản trị doanh nghiệp

11:25 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đưa ra yêu cầu mới về tỷ lệ nữ trong hội đồng quan trị doanh nghiệp. Theo đó, trong hội đồng quản trị của các công ty lớn phải có ít nhất 40% là nữ.

Năm 2026, 40% chức vụ trong hội đồng quản trị tại các công ty ở châu Âu sẽ là nữ giới - Ảnh 1.

Các quy trình lựa chọn phải dựa trên các tiêu chí rõ ràng, chỉ những ứng viên tốt nhất mới được chọn, từ đó nâng cao chất lượng tổng thể của hội đồng quản trị doanh nghiệp. Nguồn: Euronews.

Tăng tỷ lệ nữ: Quy định mới - hi vọng mới

Sau một thập kỷ bế tắc về xử lý vấn đề bình đẳng giới trong các doanh nghiệp, với sự ủng hộ của Đức và Pháp, ngày 7/6 vừa qua, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu đã thống nhất thông qua đề xuất về nâng tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. 

Quy định này yêu cầu đến giữa năm 2026, các doanh nghiệp niêm yết ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU phải đảm bảo trong hội đồng quản trị của công ty có ít nhất 40% là nữ, hoặc ít nhất 33% các vị trí giám đốc hội đồng quản trị của công ty phải do nữ đảm nhận.

Yêu cầu tỷ lệ "Phụ nữ trong Hội đồng quản trị" được áp dụng cho các công ty có ít nhất 250 nhân viên. Việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào hội đồng quản trị doanh nghiệp được cho là sẽ giúp các công ty trở nên linh hoạt hơn, sáng tạo hơn và thay đổi cơ cấu nhân sự tại nơi làm việc một cách đồng bộ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: "Đa dạng về giới trong doanh nghiệp không chỉ là vấn đề về sự công bằng, mà còn do hiện có rất nhiều phụ nữ đủ tiêu chuẩn cho những vị trí hàng đầu tại mỗi công ty. Vì thế họ cần được đảm bảo cơ hội nhận vị trí xứng đáng với mình".

Tình trạng bất bình đẳng giới trong các các doanh nghiệp nội Khối
Năm 2026, 40% chức vụ trong hội đồng quản trị tại các công ty ở châu Âu sẽ là nữ giới - Ảnh 2.

Trong trường hợp các ứng cử viên đều đủ tiêu chuẩn cho một vị trí, sự ưu tiên sẽ dành cho ứng viên có giới tính ít được đại diện hơn. Nguồn: PXhere/Brusselstimes.

Năm ngoái, dữ liệu của EU cho thấy phụ nữ chiếm 30,6% các vị trí trong hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp trên toàn Khối. Tuy nhiên tỷ lệ này ở các quốc gia rất khác nhau, thí dụ ở Síp chỉ có 8,5% phụ nữ trong hội đồng quản trị, trong khi con số này ở Pháp là hơn 45%.

Pháp lần đầu tiên đưa ra các mục tiêu tương tự về tỷ lệ nữ giới trong hội đồng quản trị vào năm 2011. Tỷ lệ 40% là nữ trong hội quản trị của nước này đã chính thức được thông qua vào năm 2017. 

Cho đến nay, theo Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE), Pháp là quốc gia duy nhất thuộc EU đã vượt qua con số 40% này. Giữ vị trí tiếp theo trong danh sách là Italy, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ và Đức, với khoảng 36 - 38,8% phụ nữ trong hội đồng quản trị. Thấp hơn là Hungary, Estonia và Síp - đều có ít hơn 1/10 vị trí giám đốc là phụ nữ.

EIGE cũng cho biết, việc đưa ra một tỷ lệ bắt buộc như vậy sẽ mang lại hiệu quả hơn hẳn để cải thiện tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, hơn là chỉ áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng, hoặc không có động thái nào.

Gây áp lực tăng tỷ lệ nữ và khuyến khích sự tuân thủ

Các quốc gia thành viên EU sẽ phải đưa quy định này vào luật của nước mình trong vòng hai năm tới. Đồng thời các quốc gia cũng sẽ phải công bố thông tin về tiến độ thực hiện của các doanh nghiệp của nước mình ra sao. Đây được xem như một hình thức gây áp lực và khuyến khích sự tuân thủ của các nước khác thuộc Liên minh trong việc nâng tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Các công ty niêm yết tại EU phải đạt được quy định về tỷ lệ 40% này trước ngày 30/6/2026. Hàng năm, họ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về cơ cấu giới tính trong hội đồng quản trị của mình. Trong trường hợp chưa đạt được thì phải đưa ra kế hoạch để đạt chỉ tiêu đó là gì.

Doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt nếu không đảm bảo tỷ lệ nữ theo quy định trong hội đồng quản trị của mình đúng thời hạn. Theo đề xuất của EU, các hình phạt đối với những công ty không tuân thủ có thể là phạt tiền và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm.

Hiện Nghị viện châu Âu đang tiến hành đánh giá phạm vi thực hiện yêu cầu này ở giai đoạn tiếp theo và cân nhắc liệu có nên áp dụng quy định này cho cả những công ty chưa niêm yết hay không.