Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Nguyễn Năng Lực
16:16 - 01/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cứ đến những ngày Tháng 9, chúng ta lại nhớ về Bác Hồ với lòng biết ơn sâu sắc và niềm kính phục vô bờ bến trước một nhân cách giản dị mà vĩ đại.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn - Ảnh 1.

Bác Hồ - Một tình yêu bao la

Ôn lại những câu chuyện về cuộc đời Bác để càng yêu Bác hơn, để nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với muôn vàn tình yêu thương Bác đã dành cho đồng bào, đồng chí.

Năm 1946, sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Người nói:

"Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". (Báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946)

Nhiều lần được gặp, trò chuỵên với nhà thơ Việt Phương, tôi được ông kể cho nghe nhiều chuyện về cuộc sống đời thường của Bác Hồ, những tình huống ứng xử thông minh, hóm hỉnh của Bác với cán bộ, nhân viên xung quanh. Từ những câu chuyện ấy, lại càng thấy nhận xét của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thật đúng: Bác là người giản dị mà lão thực.

Nhiều câu chuyện gần như đã thành giai thoại về phong cách sống giản dị mà lão thực của Bác, những câu chuyện nghe mà rưng rưng, thương Bác, yêu Bác, thấy Bác gần gũi vô cùng, thấy Bác như một người ông, người bác, người cha và người bạn.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn - Ảnh 2.

Gần dân, trọng dân là nội dung xuyên suốt trong phong cách, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Phong cách giản dị của Bác

Dạo mới về ở căn nhà sàn, xung quanh nhà, Bác cho trồng cây dâm bụt làm hàng rào, như những ngôi nhà của người nông dân trên khắp mọi miền đất nước. Ngày ngày có việc ra vào, Bác không đi qua cổng mà nhảy qua hàng rào để rèn luyện sức khoẻ. Cho đến khi hàng cây đã lớn, không nhảy qua được nữa Bác mới thôi.

Quần áo Bác mặc thường là vải nhẹ, "mong manh áo vải hồn muôn trượng". Khi có thời gian, Bác tự giặt lấy. Giặt xong, Bác không vắt mạnh, vắt kiệt mà chỉ rũ nhẹ, rồi đem phơi. Bác sợ vắt mạnh, áo sẽ chóng rách.

Tôi được cụ Nguyễn Văn Ích, chiến sỹ bảo vệ, cũng là người cắt tóc cho Bác kể chuyện: Cắt tóc xong, Bác thường tự gội đầu. Người đứng lom khom, cúi đầu cho anh em múc từng gáo nước rót cho Bác vò đầu, vò tóc. Nghe cụ Ích kể mà lòng rưng rưng, có ở đâu mà nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ của Đảng, của dân tộc lại giản dị như thế không. Đó mới thật sự là "hồng phúc của dân tộc".

Phong cách Hồ Chí Minh còn thể hiện trong thái độ ứng xử với cán bộ, nhân viên cơ quan. Ngày ấy, phòng làm việc của Thủ tướng còn ở trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Có lần, Bác cần gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thường gọi là anh Tô. Việc gấp, mặc dù vốn cũng là một cầu thủ bóng đá, một vận động viên thường xuyên luyện tập, nhưng anh Tô không chạy sang, mà lấy cái xe đạp của cảnh vệ, đạp vội sang gặp Bác. Chiến sỹ cảnh vệ thấy vậy vội vàng chạy theo. Bác Hồ đứng sẵn ở sân chờ, khi Thủ tướng vừa xuống xe, chưa kịp chào hỏi gì, Bác đã nói ngay:

- Chú Tô sao không đèo chú bảo vệ đằng sau xe để cùng về, lại để chú ấy chạy bộ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng như chợt nhận ra, vội đáp:

- Xin lỗi Bác.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã suy nghĩ rất kỹ về lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm khắc của Bác Hồ. Sáng hôm sau, trong lúc làm việc với một số đồng chí cấp dưới, ông kể lại câu chuyện trên cho mọi người cùng nghe, rồi nói:

- Lòng nhân ái, thương yêu và kính trọng con người, phải chân thực từ trong tâm của ta, rồi tự nhiên bật ra thành thái độ và hành động, chẳng phải suy nghĩ gì, như là từ bản năng.

Nhà thơ Việt Phương là Thư ký của Thủ tướng nhưng hay được làm việc với Bác. Có lần, làm việc xong, ông thưa với Bác rằng mới làm một bài thơ, xin đọc cho Bác nghe. Bác đồng ý. Bài thơ Việt Phương làm nói về đời sống xã hội, trong đó có những câu ông so sánh sự độc ác, xấu xa của con người với loài vật: Nhăn nhở như đười ươi, rình mò như cú vọ, độc ác như hổ báo, nham hiểm như cáo cầy…

Nghe xong, Bác cười bảo nhà thơ Việt Phương: Chú chỉ hay nói xấu loài vật. Loài vật không xấu xa thế đâu. Đó là định kiến sai lầm của con người gán cho loài vật. Loài vật không có như chú viết: Nhăn nhở, rình mò, nham hiểm, độc ác. Không phải thế đâu.

Từ nhận xét của Bác, nhà thơ Việt Phương hiểu hơn, có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn - Ảnh 3.

Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: TL

Chưa có thống kê chính thức về những lần Bác Hồ về với nhân dân, nhưng có tài liệu cho biết, trong 10 năm, Bác đã có 700 chuyến xuống cơ sở, tính trung bình mỗi năm Bác đi xuống cơ sở 60 lượt. Khó có một đất nước nào mà có đến hàng triệu lượt người dân đã được trực tiếp gặp, trực tiếp nghe lãnh tụ của mình nói chuyện.

Tôi là một trong số những người có hạnh phúc được trực tiếp gặp Bác Hồ, được ngồi gần Người, nghe Người nói chuyện, căn dặn.

Năm 1965, tôi là học sinh lớp 6 Trường Cấp I, II Lương Yên, Khu (nay là quận) Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một ngày đầu tháng 2, tôi được thầy Bùi Thế Vinh, chủ nhiệm lớp kiêm Tổng phụ trách Đội của trường báo tin tôi được chọn là một trong hai học sinh của Trường Lương Yên tham gia Đoàn đại biểu Thiếu nhi Thủ đô vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ.

Dịp ấy, Bác Hồ có khách quý là ông A. Koshigin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô sang thăm hữu nghị Việt Nam. Bác mời các cháu thiếu nhi vào "cùng Bác tiếp khách".

Hôm vào Phủ Chủ tịch (ngày ấy quen gọi là Dinh Bác), tôi được ngồi gần Bác, nhìn rõ những nốt đồi mồi trên má, trên tay Người, những nốt đồi mồi sẫm màu vì gian khổ. Ngồi bên tay phải Bác là ông Koshigin, thỉnh thoảng Bác lại quay sang nói chuyện với ông ấy bằng tiếng Nga. Hàng trăm thiếu nhi Thủ đô "Cháu ngoan Bác Hồ" hôm ấy đã được nghe Người căn dặn. Câu chuyện này tôi đã kể lại và được đăng trên Báo Lao động Cuối tuần ngày 30/5/2021.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn - Ảnh 4.

Bác Hồ với Bộ đội Phòng không. Ảnh: TL

Với tôi, điều đáng nói là, sau này tôi được biết, trong chuyến thăm của ông Koshigin, Liên Xô đã đồng ý giúp ta hai trung đoàn tên lửa phòng không. Chưa đầy nửa năm sau, ngày 24/7/1965, Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã ra quân trận đầu đánh thắng, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Như một cơ duyên từ cuộc gặp đầu tháng 2/1965 ấy, năm 1972, tôi cùng bạn bè "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, trở thành người lính trong Binh chủng Tên lửa phòng không.

Kỷ niệm lần gặp Bác theo tôi suốt cuộc đời.

Các thế hệ người Việt Nam, khi tìm hiểu về Bác, đều thấy như có điều thôi thúc, nhắc nhở, phải sống sao cho tốt hơn.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.