Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Gốc rễ là ý thức của người dân

PV
06:12 - 13/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ cuối năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023…cùng với đó là phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Gốc rễ là ý thức của người dân - Ảnh 1.

Niêm phong phương tiện có lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: CSGT.vn

Vi phạm nồng độ cồn dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi vi phạm bao gồm các lỗi như: Đi sai phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn... gây ra những vụ tai nạn giao thông liên hoàn, đe dọa tính mạng người dân.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng liên tục ra quân, tập trung xử lý lỗi vi phạm này… hiệu quả đáng ghi nhận là tai nạn giao thông giảm. Vấn đề đặt ra là cần phải phát huy lâu dài và nâng cao ý thức người dân.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ năm 2020 đến nay không thay đổi. Mức xử phạt khá cao, cụ thể với môtô là 8 triệu đồng, ôtô lên tới 40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Để ngăn chặn hành vi, vi phạm nồng độ cồn cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Trong đó, điều cốt yếu vẫn là nhận thức của người dân. Ở mức độ vi phạm trên 0,4mg/l khí thở, tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông. Điều này dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và cũng là nguyên nhân một số tài xế cản trở, chống đối, không hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng…

Gần đây nhất, liên tiếp hai vụ việc người vi phạm chống đối, đâm xe vào lực lượng Cảnh sát giao thông tại Vĩnh Phúc và Lào Cai đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật hình sự. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các vụ việc chống đối, lăng mạ, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để răn đe người tham gia giao thông về thượng tôn pháp luật và không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Năm 2023, tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho các địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó nghiêm cấm các cán bộ công chức, viên chức, đảng viên sử dụng rượu bia tham gia giao thông; đặc biệt nếu vi phạm ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật, đảng viên, công chức còn bị xử lý theo quy định kỷ luật của Đảng, công chức, viên chức tại nơi làm việc.

Cần có tuyên truyền để những đảng viên, công chức, viên chức là những người tiên phong trong việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật an toàn giao thông, không vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, các giải pháp đều mang tính cộng hưởng, song nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề là ý thức tài xế, việc Cảnh sát giao thông ra quân dù quyết liệt tới đâu cũng chỉ mang tính xác suất, giải quyết được phần ngọn.

Hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ, nặng có thể phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.


Nguồn: Tổng hợp