Xử lý nghiêm công chức vi phạm, kể cả đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu

N.Cường
16:13 - 16/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao năng lực và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp

Thông tin từ Bộ Nội vụ, cử tri Đà Nẵng kiến nghị để công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đạt hiệu quả, ngoài việc hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, cần đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đồng thời, cần quyết tâm xử lý triệt để các vấn đề như cơ chế xin cho, chạy vốn ngân sách, chạy việc, chạy chức, chạy dự án... nhất là quản lý chặt chẽ các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có quy mô lớn.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đã có Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21/KL-TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa".

Chính phủ đã xác định nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm công chức vi phạm, kể cả đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ xác định tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng về công tác cán bộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Theo chương trình hành động của Chính phủ, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án được giao.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ sớm trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống chạy việc, chạy chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

(Trích Báo cáo tổng kết 10 năm tổng kết công tác phòng chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, ngày 30/6/2022).

Xây dựng Bộ quy tắc về đạo đức công vụ

Đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về việc Bộ Nội vụ cần tiếp tục đẩy mạnh vấn đề nâng cao năng lực và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng nghị định của Chính phủ ban hành Bộ quy tắc về đạo đức công vụ và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc nâng cao đạo đức, tinh thần, bản lĩnh, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra công vụ để chấn chỉnh, đề nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm của công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Ngoài ra, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2032.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ xây dựng đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025. Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành cho đội ngũ nữ cán bộ trẻ của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, bảo đảm yêu cầu trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020) ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế (Bộ, ngành Trung ương là 106.890; địa phương là 140.832), giảm 27.530 biên chế. Trong đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015.

(Bộ Nội vụ)

Bình luận của bạn

Bình luận