Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trong vụ án làm thất thoát 3,8 triệu USD

PV
18:04 - 21/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại phiên tòa, cựu thứ trưởng Cao Minh Quang thừa nhận có một phần trách nhiệm trong vụ án, nhưng cũng khẳng định sai sót của ông không trực tiếp gây thiệt hại hơn 3,8 triệu USD.

Ngày 21/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và 8 bị cáo khác trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Tuy nhiên, trước khi mở phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (sinh năm 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) bị chết do mắc bệnh mãn tính nên chỉ có 8 bị cáo bị đưa ra xét xử tại vụ án này.

Xu vu Cao Minh Quang: Hop thuc hoa ho so, bien thu 3,8 trieu USD hinh anh 2

Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các bị cáo ngày 21/11.

Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

5 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (theo Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999) gồm:

- Cao Minh Quang (sinh năm 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế); 

- Dương Huy Liệu (sinh năm 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế); 

- Nguyễn Nam Liên (sinh năm 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế); 

- Phạm Thị Minh Nga (sinh năm 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế);

- Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế).

3 bị cáo bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm:

- Lương Văn Hóa (sinh năm 1957, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long);

- Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh năm 1967, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long);

- Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (sinh năm 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất, nhập khẩu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long)

Vụ việc Dược Cửu Long biển thủ 3,8 triệu USD

Theo cáo trạng, năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã đặt hàng Công ty dược phẩm Cửu Long và các doanh nghiệp sản xuất thuốc Oseltamivir, giá mua được xác định trên cơ sở giá nguyên liệu đàm phán với nhà cung cấp nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp đàm phán được giảm giá nguyên liệu thì cơ quan chức năng sẽ xem xét điều chỉnh giá.

Năm 2006, Công ty dược phẩm Cửu Long nhập 520kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của đối tác nước ngoài.

Sau đó, Dược Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá mua nguyên liệu với tổng số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Tuy nhiên cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long là ông Lương Văn Hóa đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa các báo cáo, tài liệu kinh doanh để che giấu việc này và để ngoài sổ sách số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Thời điểm xảy ra vụ án, ông Cao Minh Quang đang là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir nhưng khi phát hiện Dược Cửu Long giữ lại hơn 3,8 triệu USD, bị cáo này đã không báo cáo Bộ Y tế và không chỉ đạo các đơn vị kiểm tra.

Khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền trên, cựu Thứ trưởng Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện yêu cầu kiểm tra để thu hồi tài sản cho nhà nước, dẫn đến thiệt hại hơn 3,8 triệu USD.

Hành vi của bị cáo Cao Minh Quang đã phạm vào tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Quá trình điều tra, ông Quang đã tự nguyện khắc phục 1,5 tỉ đồng.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang: "Dược Cửu Long đã cố tình che giấu và lập lờ hồ sơ"

Tại tòa, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng thừa nhận một phần trách nhiệm đối với số tiền thiệt hại của vụ án. Theo ông Quang, bản thân đã tin tưởng cấp dưới làm đúng chỉ đạo của mình và không kiểm tra, giám sát, vì vậy đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung không đúng thực tế.

Là người ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan thuốc Tamiflu song ông Quang cho rằng phạm vi của quyết định này rất rộng, không chỉ kiểm tra việc sản xuất thuốc của các công ty.

Ông Quang khai: "Bản thân bị cáo không thể kiểm tra toàn bộ nội dung. Nếu cấp dưới không báo cáo cụ thể và lưu ý, bị cáo cũng không chú ý, đó là thiếu sót".

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng sai sót này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại mà do "Dược Cửu Long đã cố tình che giấu và lập lờ hồ sơ". Việc này thể hiện qua việc cơ quan chức năng phải mất tới 7 năm để xác định được bản chất số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Ông Quang khai: “Bị cáo có một phần trách nhiệm nhưng không phải trực tiếp dẫn đến thiệt hại, không trực tiếp dẫn đến việc không thu hồi được khoản tiền đó".

Ngày 22/11, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 5 ngày.

Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận