Xét xử 74 bị cáo trong "đại án" buôn lậu xăng lớn nhất từ trước đến nay

Lan Dương
13:03 - 25/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 74 bị cáo về tội "Buôn lậu" và "Nhận hối lộ".

"Đại án" buôn lậu xăng lớn nhất ở Việt Nam

Theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, sáng 25/10, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện Đồng Nai, (số 1 Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 74 bị cáo về tội "Buôn lậu" và "Nhận hối lộ".

Đây là các bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta với quy mô gần 200 triệu lít, bị Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá trong Chuyên án mang bí số 920G.

Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài từ 45 đến 60 ngày. Hội đồng xét xử gồm có 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân. Tham gia tố tụng có 74 bị cáo, 53 cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; 81 luật sư và 45 người làm chứng.

Xét xử 74 bị cáo trong "đại án" buôn lậu xăng lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.

Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 74 bị cáo về tội "Buôn lậu" và "Nhận hối lộ". Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai, NDO

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu (65 tuổi), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phan Lê Hoàng Anh, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi) điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Dương Hải Phòng, bàn bạc góp vốn thực hiện buôn lậu xăng giả. Sau đó, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn cùng Phạm Hùng Cường, Phùng Danh Thoại và đối tượng tên Trọng góp vốn để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với số tiền 53 tỷ đồng.

Đào Ngọc Viễn giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Phan Thanh Hữu trực tiếp thỏa thuận mua xăng lậu. Nhóm này thuê của Đào Ngọc Viễn 2 tàu trọng tải 8.000 tấn chở xăng từ Singapore về Việt Nam giao cho đội tàu mang tên Nhật Minh của Phan Thanh Hữu.

Sau đó, xăng lậu từ các tàu Nhật Minh bơm sang kho chứa xăng của các đầu nậu, đại lý rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.

Do xăng nhập lậu từ nước ngoài có màu trắng, thị trường nước ta tiêu thụ xăng màu vàng nhạt, nên Phan Thanh Hữu cùng các đối tượng mua chất bột màu và dung môi dùng để hòa tan, tạo thành xăng có màu vàng.

Ngoài ra, Phan Thanh Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi tháng, đường dây này vận chuyển từ 3 đến 6 chuyến với khoảng 5 triệu lít xăng mỗi chuyến.

Mỗi chuyến nhập xăng lậu vào Việt Nam, Phan Thanh Hữu trả tiền thuê tàu cho Đào Ngọc Viễn, trả công tiền môi giới, chi phí đưa hối lộ cho một số cá nhân trong các cơ quan chức năng. Sau đó, Phan Thanh Hữu được hưởng 40% lợi nhuận còn Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường, Phùng Danh Thoại được hưởng 60% lợi nhuận.

Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ, kê biên, gồm: Hơn 2,5 triệu lít xăng; 17 tàu thủy; 22 xe bồn; 3 xe ô-tô; hơn 221 tỷ đồng; 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở…

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, bị xét xử về tội "Nhận hối lộ". Ngoài 74 bị cáo bị đưa ra xét xử, hiện, các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của Chuyên án 920G. Đây là vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, chiều 19/8/2022, tại Thành phố Phan Thiết, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên xử phạt bị cáo Luyện Xuân Tràng 14 năm tù về tội "Buôn lậu"; 8 bị cáo khác bị xử phạt các mức án từ 5 năm tù đến 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" trong vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú, tỉnh Bình Thuận.

Tội buôn lậu bị xử phạt như thế nào?

Quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội buôn lậu như sau:

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 2 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Bình luận của bạn

Bình luận