Hà Nội cần có cơ chế mở cho việc xây dựng khách sạn trong phố cổ

20:26 - 16/12/2024
Công dân & Khuyến học trên

Từ những bất cập trong việc đầu tư xây dựng khách sạn trong phổ cổ, nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định riêng việc xây dựng khách sạn với nhà ở trong khu vực này. Trước hết, cần nghiên cứu quy định cho phép xây dựng khách sạn với chiều cao và mật độ phù hợp (lớn hơn mức nhà ở).

Theo quy định hiện hành, khách sạn trong phố cổ Hà Nội chỉ được xây 4 tầng. Như vậy, chủ đầu tư sẽ không bao giờ thu hồi đủ vốn.
Xây dựng khách sạn trong phố cổ Hà Nội cần cơ chế mở - Ảnh 1.

Việc bảo tồn giá trị truyền thống ở phố cổ Hà Nội cần gắn liền với việc phát huy di sản. Ảnh: wikipedia

Chủ đầu tư loay hoay làm khách sạn trong phố cổ Hà Nội

Với vị trí "tấc đất, tấc vàng", việc đầu tư xây dựng khách sạn trong phố cổ Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do chưa có quy định riêng về quy hoạch, xây dựng khách sạn với nhà ở nên không ít chủ đầu tư phải "vượt rào" xây khách sạn.

Đi dọc các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Lương Ngọc Quyến… trung tâm phố cổ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội không khó để bắt gặp các công trình cao 9-10 tầng.

Những tòa nhà này không chỉ xây cao mà còn đào sâu 1-2 tầng hầm. Tất cả các công trình này đều là khách sạn phục vụ khách du lịch.

Ông Ngô Văn Phong (tên nhân vật được thay đổi) - chủ đầu tư một khách sạn trong lòng phố cổ cho biết, theo quy định hiện hành, việc xây dựng khách sạn và nhà ở phố cổ chưa có sự tách bạch. Theo đó, khi xây dựng khách sạn phải đáp ứng các yêu cầu như độ cao (không quá 4 tầng) và mật độ xây dựng (70-80%). Điều này khiến các chủ đầu tư tiến thoái lưỡng nan.

Bởi việc xây dựng khách sạn trong phố cổ đòi hỏi mức đầu tư lớn. Nếu chỉ được xây 4 tầng, hạn chế mật độ xây dựng sẽ không bao giờ thu hồi được vốn. Trong khi đó nhu cầu lưu trú của khách du lịch ngay tại phố cổ là rất lớn.

Theo ông Phong, đối với khu vực phố cổ, việc bảo tồn các giá trị truyền thống là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc bảo tồn cần gắn với việc phát huy di sản. Khách du lịch từ các tỉnh thành, đặc biệt là khách quốc tế đi đường xa đến không chỉ đòi hỏi được chiêm ngưỡng các giá trị cổ mà còn cần được phục vụ tốt các nhu cầu sinh hoạt tiện ích như ăn, ở, nghỉ ngơi… Do đó, theo ông Phong, cơ quan chức năng cần tách bạch quy định xây dựng nhà ở riêng với xây dựng khách sạn.

"Tất nhiên, việc xây dựng khách sạn trong phố cổ không thể tràn lan. Việc xây khách sạn cần đòi hỏi nghiêm ngặt về giấy phép của cơ quan nhà nước. Nhưng đã cấp phép rồi thì cần có cơ chế đảm bảo như quy định về chiều cao, mật độ phù hợp. Có như vậy chủ đầu tư mới đạt được tính khả thi trong xây dựng vừa thu hồi vốn lại đảm bảo không rủi ro pháp lý, nhà nước cũng có thể quản lý tốt hơn", ông Phong bày tỏ.

Việc khó khăn trong xây dựng khách sạn phố cổ Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới khách du lịch.
Xây dựng khách sạn trong phố cổ Hà Nội cần cơ chế mở - Ảnh 2.

Với vị trí đặc thù nên việc đầu tư xây dựng khách sạn trong phố cổ hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: laodong.vn

Cô Lý Quyên, một du khách đến từ Trung Quốc cho biết, sau một năm làm việc vất vả, cô chọn Hà Nội để du lịch cùng nhóm bạn thân. Cùng với việc tham quan các kiến trúc cổ của Việt Nam, nhóm của cô Lý Quyên có nhu cầu hưởng đầy đủ tiện ích cao cấp. Thế nhưng tại khu vực lõi rất khó tìm kiếm được khách sạn 5 sao và đủ số phòng. Do đó, nhóm của cô Lý đành phải chọn khách sạn ở khu vực lân cận, khiến việc đi lại khá bất tiện.

Cần hành lang pháp lý cho việc xây dựng khách sạn trong phố cổ Hà Nội

Từ những bất cập trong việc đầu tư xây dựng khách sạn trong phố cổ, nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định riêng việc xây dựng khách sạn với nhà ở trong khu vực này. Trước hết, cần nghiên cứu quy định cho phép xây dựng khách sạn với chiều cao và mật độ phù hợp (lớn hơn mức nhà ở).

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng: "Nếu yêu cầu 100% các cơ sở đều phải đáp ứng được đúng quy định, tôi nghĩ rằng hầu hết các khách sạn trong phố cổ sẽ phải đóng cửa".

Ông Đạt phân tích, hiện tại khách sạn trong phố cổ nhiều nhất là phân khúc ba sao, tiếp đó là các khách sạn 2 sao hoặc hostel (nhà nghỉ giá rẻ), homestay, hoặc dorm (phòng tập thể) giá rẻ chỉ khoảng 200.000 đồng một đêm nhưng khách chia sẻ không gian sinh hoạt với nhiều người khác.

Lý do chưa có nhiều khách sạn cao cấp (4-5 sao) là do khách sạn trong phố cổ phải tuân thủ quy định của rất nhiều ban ngành, như Luật Du lịch; Luật xây dựng; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định của Ban Quản lý Phố Cổ; Phòng cháy chữa cháy…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn để tuân thủ chặt chẽ tất cả quy định.

"Bản thân là dân phố cổ, tôi rất hiểu tình trạng nhiều công trình trong phố cổ. Có những khách sạn đã được xây dựng từ hàng chục năm trước theo kiến trúc cũ và được cấp phép kinh doanh khách sạn. Trong khi đó, những khách sạn xây mới lại không thể xây theo kiến trúc tương tự vì luật pháp hiện hành không cho phép" - ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt cho biết thêm, hiện nay, rất nhiều bên phải tìm mọi cách tận dụng hết diện tích vì phố cổ là khu vực "tấc đất tấc vàng".

Đối với quy định về số tầng hay chiều cao, không ít khách sạn sẽ tìm cách "lách luật". Ví dụ, mặt tiền chỉ khoảng 4 tầng, nhưng phía sau sẽ giật cấp lên 6-7 tầng.

Trong khi quy định đối với các khách sạn rất ngặt nghèo, công tác quản lý các homestay, hostel hay dorm lại không chặt chẽ bằng.

Chính những mô hình kinh doanh lưu trú giá rẻ mới gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của khu phố cổ. Bởi những cơ sở này phục vụ lượng lớn du khách có mức chi tiêu không cao, nhưng lại ảnh hưởng đến hạ tầng và môi trường, như gây quá tải về điện, ô nhiễm tiếng ồn hay không đảm bảo công tác khai báo tạm trú, tạm vắng.

Trao đổi với Lao Động, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, giá cả và tỉ lệ lấp đầy khách sạn khu phố cổ khá biến động. Có khá nhiều khách sạn chất lượng thấp hơn được cho thuê với mức giá rẻ nhưng tỉ lệ lấp đầy không cao. Trong khi đó khách sạn cao cấp hơn lại đông đúc. Tuy nhiên, số lượng khách sạn này chưa nhiều.

"Về các quy định hiện tại, tôi nghĩ thách thức chủ yếu nằm ở diện tích đất và chiều cao tòa nhà mà các chủ sở hữu có thể xây dựng. Ở một số con phố, họ có thể xây dựng cao hơn, điều này giúp tăng hiệu quả sử dụng, và tăng số lượng phòng", ông Matthew Powell nói.

Có thể nói việc bảo tồn phố cổ là mục tiêu quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc bảo tồn cần gắn với việc phát huy giá trị. Do đó, cơ quan chức năng cần tính đến quy hoạch xây dựng khách sạn hiện đại trong khu vực phố cổ với mật độ phù hợp đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

                                                                                        (Theo Báo Lao Động)

Bình luận của bạn

Bình luận