Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm 333 tỉ sau kiểm toán, bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh trong báo cáo, những dấu hiệu lỗ luỹ kế và một số khoản nợ quá hạn thanh toán cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán (BCTCKT) bởi Hãng Kiểm toán AASC.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, một số nghiệp vụ tạm ứng của Xây dựng Hòa Bình đã được thực hiện khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được Hội đồng quản trị thông qua vào ngày 20/5/2023 và các Nghị quyết của Hội đồng quản trị tương ứng.
Kết quả kinh doanh của xây dựng Hòa Bình trong năm 2023
Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ khi Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Trong đó, kiểm toán chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về các số dư nợ phải thu và nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2023 bao gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng 2.938,4 tỉ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 705,6 tỉ đồng; phải thu ngắn hạn khác 455,3 tỉ đồng; phải trả người bán ngắn hạn 1.691,1 tỉ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.277,6 tỉ đồng; phải trả ngắn hạn khác 172,7 tỉ đồng; và các khoản vay 57,9 tỉ đồng.
"Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, các công việc nêu trên vẫn đang được thực hiện và chưa hoàn thành, do đó chúng tôi chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không", Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Sau kiểm toán năm 2023, doanh thu của Xây dựng Hòa Bình giảm 9,33 tỉ đồng, về 7.537,1 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 333,06 tỉ đồng, từ lỗ 782,28 tỷ đồng tăng lên lỗ tới 1.115,34 tỉ đồng. Trong đó, biến động mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng thêm 274,79 tỉ đồng sau kiểm toán, từ 482,91 tỉ đồng, lên 757,7 tỉ đồng.
Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình là 3.240,3 tỉ đồng, bằng 118,2% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.741,33 tỉ đồng), vượt vốn điều lệ.
Cũng tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận nợ ngắn hạn là 13.703,3 tỉ đồng và tài sản ngắn hạn là 13.449,3 tỉ đồng. Như vậy, Công ty đang ghi nhận nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 254 tỉ đồng. Như vậy, công ty đang sử dụng 254 tỉ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).
Đây là năm thứ hai liên tiếp, Xây dựng Hòa Bình đón nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Công ty này đang lên kế hoạch doanh thu 10.800 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế 433 tỉ đồng trong năm nay để lấy lại mức lãi tương đương năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên con số trên vẫn cách khá xa so với giai đoạn đỉnh lợi nhuận 2016-2018.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google