World Cup 2022: Qatar "tham vọng" tổ chức một sự kiện thể thao trung hòa carbon

PV
06:00 - 18/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Qatar tuyên bố World Cup 2022 sẽ là lần đầu tiên một giải bóng đá lớn nhất hành tinh hướng tới nỗ lực trung hòa carbon nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kỳ World Cup không CO2

Năm 2021, Qatar đã đề ra kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.

Theo TTXVN, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ trưởng Môi trường Qatar Sheikh Faleh bin Nasser bin Ahmed bin Ali Al Thani đã tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ tiếp tục hành động để hiện thực hóa mục tiêu này.

Cũng tại Hội nghị COP27, ông Sheikh Faleh thông báo nước này sẽ tính toán lượng khí thải của các chuyến bay hằng ngày chở người hâm mộ giữa các tiểu vương quốc vùng Vịnh vào tổng lượng khí thải carbon của sự kiện.

World Cup 2022: Qatar hướng tới sự kiện bóng đá trung hòa carbon lớn nhất hành tinh - Ảnh 1.

Sân vận động Lusail, nơi diễn ra Vòng chung kết World Cup 2022 tại Doha, Qatar. Ảnh: Shaun Botterill/Getty Images

Ông Sheikh Faleh khẳng định chắc chắn nước chủ nhà World Cup 2022 sẽ “dẫn đầu tiêu chuẩn” khi đạt được mục tiêu tổ chức một sự kiện thể thao thân thiện với môi trường.

Qatar vẫn đang trong quá trình thực hiện hóa mục tiêu tổ chức “World Cup không CO2”. Mọi phương pháp tính toán đều đảm bảo tốt nhất trong thực tế và được đưa ra dựa trên dữ liệu thực, sau khi FIFA World Cup đã kết thúc.

Trong nhiều năm, Qatar đã hứa hẹn mang đến những điều khác biệt thực sự cho World Cup 2022. Nỗ lực hướng tới việc trung hòa carbon và thực hiện các hành động có ý nghĩa ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong số những kế hoạch được tăng cường tại World Cup năm nay.

Theo báo cáo chính thức dự kiến lượng khí thải của sự kiện, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Qatar ước tính World Cup 2022 sẽ tạo ra khoảng 3,6 triệu tấn CO2.

Báo cáo của Qatar và FIFA cho rằng nguồn phát thải lớn nhất sẽ là du lịch, chủ yếu là các chuyến bay từ nước ngoài, chiếm 50% tổng lượng khí thải. Hoạt động xây dựng các sân vận động và địa điểm tập luyện cũng như việc vận hành của các cơ sở này sẽ chiếm 25%.

Các khách sạn cũng như các cơ sở lưu trú khác trong 5 tuần, trong đó có cả các tàu du lịch mà Qatar thuê làm khách sạn nổi, cũng sẽ tạo ra 20% lượng khí thải.

Liệu Qatar có thực hiện được mục tiêu này?

Theo hãng AP, đây được xem là tuyên bố táo bạo của một quốc gia đã dành 12 năm qua để xây dựng thêm 7 trong số 8 sân vận động phục vụ World Cup, hệ thống tàu điện ngầm, khách sạn, nhà cao tầng và đường xá để đáp ứng nhu cầu cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh lần này.

Trên vùng đất nhỏ hơn bang Connecticut (Mỹ) với dân số khoảng 3 triệu người, Qatar có rất ít điều kiện cần để hiện thực hóa giấc mơ World Cup không phát thải.

Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu độc lập tại Carbon Market Watch và công ty khởi nghiệp carbon Greenly có trụ sở tại Paris lại cho rằng lượng khí thải mà World Cup 2022 tạo ra thực tế phải cao hơn nhiều con số 3,6 triệu tấn. 

Đánh giá riêng của Greenly cho thấy tổng lượng CO2 phát thải trong sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này là 6 triệu tấn, gần tương đương lượng khí thải phát ra từ 750.000 ngôi nhà Mỹ trong 1 năm.

Theo Carbon Market Watch, Qatar đã đánh giá thấp lượng khí thải liên quan đến việc xây dựng sân vận động.

Đại diện Carbon Market Watch cho biết: “Rất ít khả năng Qatar sẽ xây dựng những sân vận động này nếu không có World Cup. Và cũng rất ít khả năng chúng sẽ được sử dụng hiệu quả trong 60 năm tới”. Trong khi đó, dự báo trong vòng 60 năm nữa, nhiệt độ tại Qatar có thể sẽ nóng hơn 4 độ C, với 62 ngày nhiệt độ trên 45 độ C.

Theo tính toán, lượng khí thải từ các sân vận động sẽ tăng thêm khoảng 1,4 triệu tấn, tương đương gần 40%. Con số này gần bằng lượng khí thải 1 nhà máy nhiệt điện than tạo ra trong 16 tháng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù tính toán bù trừ thế nào đi chăng nữa, ý tưởng tổ chức một kỳ World Cup không phát thải là rất khó thực hiện. 

Nhà đồng sáng lập Greenly Alexis Normand cho biết: “Không ai có thể trung hòa carbon cho đến khi toàn thế giới trung hòa”.

Đáp lại, trong một tuyên bố chính thức, đại diện phát ngôn FIFA đã bác bỏ ý kiến cho rằng các tuyên bố về tính trung hòa carbon là phản tác dụng, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu đã đề ra tạo động lực to lớn để ban tổ chức hướng đến môi trường.

FIFA nhận thức rất rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, sự phức tạp trong việc quản lý truyền thông và hành động. FIFA không có ý định phân tâm khỏi mục tiêu trung hạn là đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Nguồn: tổng hợp