World Cup 2022: Chấm 11m, nơi phân định người hùng và tội đồ
Trái bóng đang lăn những vòng cuối tại Qatar và người hâm mộ đã chứng kiến rất nhiều pha đá 11m không thành bàn, với tỷ lệ hỏng cao nhất kể từ năm 1966.
1.000 cú sút… vẫn chưa đủ
Cuộc chiến tâm lý với bản thân là việc các cầu thủ phải trải qua trước khi đối mặt với thủ gôn. Áp lực sẽ tăng theo thời gian diễn ra loạt đá. Thống kê cho thấy những quả đá đầu tiên có tỷ lệ thành công cao nhất lên tới 75%, nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn 64% cho lượt đá thứ tư.
Từng yêu cầu các học trò thực hiện 1.000 cú sút phạt đền khi cho rằng "đá luân lưu không phải là một trò xổ số", HLV Luis Enrique của tuyển Tây Ban Nha mạnh mẽ tuyên bố "Đó là những kỹ năng cụ thể và nếu bạn luyện tập thường xuyên, kỹ năng đó sẽ được cải thiện".
Tuy nhiên, "đời không như là mơ" khi Tây Ban Nha phải xách va-li về nước sau khi thua Ma- rốc tại loạt đá 11m định đoạt số phận ở vòng 16 đội. Sau thất bại cay đắng HLV Luis Enrique nộp đơn xin từ chức, có lẽ ông cần phải nói với học trò của mình một điều, thực tế trận đấu và trên sân tập là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.
Một điểm chung trong 13 quả 11m bị bỏ lỡ ở Qatar, đó là những cú sút chìm và thiếu lực. Chuyên gia Chris Sutton của Sportsmail đã đưa ra lời khuyên: "Nếu vẫn còn nghi ngờ bản thân, cứ ra chân mạnh lên!".
Chắc hẳn Sutton không tính đến những tiếng hò hét trên sân của khán giả và sức ép tâm lý của cầu thủ khi đứng trước chấm đá phạt. Nếu tự tin thì sút nhẹ cũng có thể ghi bàn, bằng chứng là cú sút chậm nhất giải đấu của Achraf Hakimi (Ma-rốc) ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha, cú ra chân của anh vận tốc bóng chỉ đạt 58 km/h.
Thủ môn – người quyết định cuộc chơi tại vòng loại trực tiếp
Trong những trận đấu mang tính sống còn ở vòng loại trực tiếp, thủ môn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhất là khi trận đấu phải quyết định trên chấm luân lưu.
Những người gác đền cũng cần đến "thần kinh thép" khi cản phá những cú đá luân lưu. Ngoài việc phản xạ nhanh nhạy và phán đoán tốt, họ còn cần phải có "đòn tâm lý" gây ức chế đối phương.
Giải đấu tại Qatar chứng kiến màn trình diễn xuất sắc của nhiều thủ môn. Tỷ lệ cản phá các quả đá luân lưu ở World Cup từ năm 1966 đến 2018 là 17%. Tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, lên 35% tại giải đấu năm 2022.
Trong lịch sử giải đấu Wolrd Cup chỉ có 3 thủ môn cản phá được 3 quả đá luân lưu trong 1 trận đấu. Tại Qatar 2022 người hâm mộ đã được chứng kiến 1 trong 3 kỷ lục đó. Dominik Livaković cản phá 3 cú sút từ chấm 11m ở vòng 16 đội khi gặp Nhật Bản tại World Cup 2022.
Dominik Livaković lại viết tiếp giấc mơ bán kết của tuyển Croatia khi anh tiếp tục đẩy được 1 cú sút luân lưu trong loạt đấu cân não với Brazil. Bản lĩnh và tài năng của anh đã được khẳng định tại giải đấu Qatar 2022. Với những gì đã thể hiện, người chắn giữ khung thành Croatia rất sáng giá trong danh sách những thủ môn hay nhất giải đấu.
Trước đó tại Nga năm 2018, Danijel Subašić là người đứng trong khung thành Croatia. Thủ môn này đã cản phá được 3 quả luân lưu của Đan Mạch do Eriksen, Schione và Jorgensen thực hiện. Croatia là quốc gia duy nhất có 2 thủ môn cản phá được 3 cú sút luân lưu trong 1 trận đấu.
Ngoài ra, thành tích này chỉ có Ricardo, thủ môn người Bồ Đào Nha, từng lập được năm 2006 tại Đức. Anh đã thể hiện màn trình diễn xuất sắc khi cản phá được pha đá của Lampard, Gerard và Carragher, những cầu thủ được kỳ vọng rất nhiều của tuyển Anh.
Điểm đá luân lưu 11m là nơi chỉ trong khoảnh khắc, các cầu thủ được vinh danh như người hùng, hoặc bị la ó như kẻ tội đồ. Vinh quang và cay đắng luôn là hai mặt của bóng đá, sự khó đoán định từ chấm đá phạt cũng là một phần thú vị tạo nên sức hấp dẫn riêng của trái bóng tròn ở mọi giải đấu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google