WHO: Vô sinh là thách thức sức khỏe toàn cầu

H.Ngọc
21:53 - 04/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

WHO cho biết, cứ 6 người trưởng thành trên thế giới thì có 1 người bị vô sinh vào một thời điểm nào đó trong đời. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản chất lượng cao với mức chi phí phù hợp cho những người có nhu cầu.

Chi phí điều trị vô sinh là thách thức tài chính lớn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo nghiên cứu mới cung cấp cái nhìn sâu sắc về tỷ lệ vô sinh toàn cầu thông qua các dữ liệu có liên quan từ năm 1990 đến 2021. Theo đó, khoảng 17,5% dân số trưởng thành (khoảng 1/6 trên toàn thế giới) không thể sinh con tự nhiên. Tỷ lệ này là 17,8% ở các nước có thu nhập cao và 16,5% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đồng thời, nghiên cứu cũng đánh giá chi phí liên quan đến điều trị vô sinh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế trực tiếp mà bệnh nhân tại những nước này phải trả cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường cao hơn thu nhập trung bình hàng năm - một áp lực tài chính lớn.

WHO: Vô sinh là thách thức sức khỏe toàn cầu - Ảnh 1.

Theo báo cáo của WHO, cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh. Ảnh: Everlywell

Theo định nghĩa của WHO, vô sinh là bệnh không thể mang thai sau 12 tháng trở lên quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng biện pháp phòng tránh thai. Vô sinh có thể tạo ra sự kỳ thị xã hội, gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của người bệnh.

Bất chấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhiều người vẫn không thể tiếp cận được các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị vô sinh do chi phí cao, sự kỳ thị của xã hội và dịch vụ hạn chế.

Hiện tại, ở hầu hết các quốc gia, chi phí điều trị hiếm muộn phần lớn do người bệnh tự chi trả. Chi phí cao khiến người bệnh khó khăn trong việc tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh tiên tiến, và cũng có thể đẩy họ vào cảnh nghèo đói do dành phần lớn thu nhập để điều trị bệnh.

Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ điều trị vô sinh

WHO đánh giá, vô sinh là thách thức lớn về sức khỏe trên toàn cầu, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản chất lượng cao với mức chi phí phù hợp cho những người có nhu cầu.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần được các quốc gia nghiên cứu đưa vào chính sách y tế. 

Theo Tiến sĩ Pascale Allotey, Giám đốc Nghiên cứu và Sức khỏe Sinh sản và Tình dục tại WHO, hàng triệu người đang phải đối mặt với thách thức tài chính từ chi phí điều trị hiếm muộn. Đây là vấn đề bất bình đẳng lớn và thường xuyên trở thành cái bẫy nghèo đói về y tế đối với những người bị ảnh hưởng. Các chính sách và nguồn tài chính công tốt hơn có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận điều trị hiếm muộn đối với người dân các nước có thu nhập thấp.

Bên cạnh bằng chứng thuyết phục về tỷ lệ vô sinh cao trên toàn cầu, báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh việc thiếu dữ liệu chi tiết về vô sinh ở nhiều quốc gia và một số khu vực. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia cung cấp dữ liệu đầy đủ hơn về vô sinh (phân tách theo độ tuổi và nguyên nhân) nhằm góp phần cải thiện tình trạng này cũng như xác định những người cần chăm sóc sức khỏe sinh sản và giảm thiểu những rủi ro trong quá trình điều trị.

Theo báo cáo của WHO, Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có cơ chế tài chính cho các dịch vụ hỗ trợ sinh sản. Do đó, chi phí y tế mà bệnh nhân phải chi trả cho một đợt điều trị hiếm muộn tại Việt Nam cao hơn đáng kể so với thu nhập trung bình hàng năm của họ, chiếm khoảng 106,3%. Tỉ lệ này ở một số nước khác là: Zimbabwe 456,8%, Sudan 401,5%, Ecuador 243,9 %), Ấn Độ 166,4%,...

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30 (theo thống kê của WHO).

Nguồn: WHO