WHO chưa coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

08:21 - 26/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/6 nhận định bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, dù Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh này.

WHO chưa coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia lo ngại đậu mùa khỉ sẽ có nhiều biến thể hơn dự đoán. Ảnh: BlakJack3D/Getty Images

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/6 nhận định bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, dù Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh này.

Thông báo về quyết định của cuộc họp ủy ban chuyên gia hôm 23/6, ông Tedros cho biết, ủy ban khẩn cấp này đã chia sẻ quan ngại nghiêm túc về quy mô và tốc độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, với lưu ý về những yếu tố không xác định liên quan đến đợt bùng phát và khoảng trống trong dữ liệu.

Theo Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của Ủy ban khẩn cấp đã thể hiện lập trường chung giữa những quan điểm khác biệt của các thành viên. Cụ thể, trong báo cáo, ủy ban chuyên gia này đã khuyến nghị ông Tedros rằng, ở thời điểm hiện tại bệnh đậu mùa khỉ chưa cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố. Tuy nhiên, theo ông Tedros, bản thân việc WHO triệu tập ủy ban đã thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan trên thế giới của bệnh đậu mùa khỉ.

Tổng Giám đốc WHO đồng thời kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy tìm liên lạc, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và phương pháp điều trị kháng virus.

Ông Tedros cho biết, mặc dù WHO không kích hoạt mức cảnh báo cao nhất của mình, nhưng đợt bùng phát này làm gia tăng mối lo ngại nghiêm trọng vì nó đang lây lan nhanh chóng ở các quốc gia nơi thông thường không tìm thấy virus này. Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ chỉ lây lan ở mức độ thấp và tại các vùng xa xôi của Tây và Trung Phi. Trong đợt bùng phát hiện nay, 84% trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới là ở châu Âu, điều này rất bất thường.

Trong một thông cáo báo chí hôm thứ bảy vừa qua, ông Tedros cho biết: "Điều làm cho đợt bùng phát hiện nay đặc biệt đáng lo ngại là sự lây lan nhanh chóng, tiếp tục sang các quốc gia và khu vực mới và nguy cơ lây truyền lâu dài hơn nữa vào các nhóm dân cư dễ bị tổn thương bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em". 

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, chẳng hạn như sốt, nhức đầu, đau người, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, phát ban trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước trên cơ thể. Thời điểm dễ lây nhiễm nhất khi đang bị phát ban.

Giám đốc WHO cho biết nghiên cứu về sự lưu hành của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi đã bị bỏ qua, điều này đã khiến sức khỏe của người dân ở đó và trên toàn thế giới gặp nguy hiểm. 

Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ngoài các nước khu vực Tây và Trung Phi, vốn lâu nay bệnh được coi là đặc hữu. Tổng cộng đã có hơn 3.200 ca mắc và một ca tử vong được báo cáo lên WHO từ hơn 50 quốc gia, phần lớn ở các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, theo WHO, việc tiêm chủng hàng loạt không được khuyến khích vào thời điểm này để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ. 

Ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu mùa khỉ gồm 16 thành viên, do Jean-Marie Okwo-Bele - một cựu quan chức WHO, cùng Nicola Low - Phó giáo sư Đại học Bern, là đồng chủ tịch. 14 thành viên còn lại là các chuyên gia đến từ Brazil, Anh, Nhật Bản, Maroc, Nigeria, Nga, Senegal, Thụy Sĩ, Thái Lan và Mỹ. Ngoài ra, tám cố vấn đến từ Canada, CHDC Congo, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ cũng tham gia cuộc họp hỗn hợp hôm 23/6 vừa qua.

Kể từ năm 2009 đến nay, WHO mới sáu lần tuyên bố một bệnh là PHEIC. Lần gần nhất là tuyên bố về đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Trước đó, vào năm 2019 là tuyên bố về dịch Ebola bùng phát ở miền đông Congo khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Cơ quan này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với vi rút Zika năm 2016, dịch cúm H1N1 2009, và các đợt bùng phát bệnh bại liệt và Ebola năm 2014.

Nguồn: PV (TTXVN, CNBC, Reuters)
Bình luận của bạn

Bình luận