Vụ Việt Á và trách nhiệm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

11:46 - 20/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từng có những chỉ đạo thể hiện sự trong sạch tại cuộc họp Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Thế nhưng thực tế lại khác...

Trước khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vụ Việt Á, ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã có những chỉ đạo “hùng hồn”, thể hiện sự trong sạch tại cuộc họp Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

Vụ Việt Á và sự lắt léo của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Thăng tại cuộc họp chỉ đạo về vấn đề xử lý cán bộ vi phạm trong vụ
kit test COVID-19 Việt Á.

  

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan (vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương.

Ông Thăng và ông Cường cùng bị khởi tố, điều tra về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bước đầu, cơ quan bảo vệ pháp luật xác định, các bị can Phạm Xuân Thăng và Phạm Mạnh Cường có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trước đó, sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Phạm Xuân Thăng đã được chỉ rõ tại Kỳ họp thứ 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (thông cáo cuộc họp được phát đi vào ngày 11/8, trong đó có nêu về vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Hải Dương).

Cụ thể, cơ quan kiểm tra Đảng nhận định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để Ủy ban Nhân dân tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, “nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia xét nghiệm trái quy định”.

“Các sai phạm còn xảy ra trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng thuốc; chi hỗ trợ phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y tế. Một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ việc gây thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước, nguồn lực của xã hội, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương và trong đó có ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Ngày 16/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026.

Hành vi của ông Phạm Xuân Thăng được xác định: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Ông Phạm Xuân Thăng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.

“Chàm” Việt Á và những lời “nói vậy mà không phải vậy”

Trước khi bị khởi tố, bắt giam, phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào ngày 5/1, ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh…

Còn ông Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An thề thốt, bản thân hoàn toàn không nhận bất kỳ quà hay khoản hoa hồng nào từ Công ty Việt Á hay là bất kỳ ai.

Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn trước khi bị bắt cũng khẳng định không nhận đồng nào từ Công ty Việt Á. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bị can này có nhận một phần trong 44 tỷ đồng do Việt Á lại quả.

Nhìn lại vụ án khi bắt đầu phát lộ tại CDC Hải Dương cho thấy ông Phạm Xuân Thăng - khi đó ngồi ở vị trí lãnh đạo cao nhất tại Tỉnh ủy Hải Dương đã có những chỉ đạo “ấn tượng” tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cụ thể, ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt giam Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường, Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Ngày 21/12/2021, sau 5 ngày khi vụ án được khởi tố, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Xuân Thăng khẳng định: Sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Thăng đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát, phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác mua sắm, thanh quyết toán phục vụ phòng chống dịch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sau đó thống nhất chỉ đạo xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với sai phạm của một số cán bộ, đảng viên tại CDC Hải Dương. Đồng thời, yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính rà soát, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan và lãnh đạo cơ quan liên quan.

Nguồn: Thiều Khang/Giáo dục và Thời đại