Vụ thiếu niên đi xe phân khối lớn va chạm làm chết thai phụ: Chủ xe có bị xử lý hình sự?

Lam Linh
13:00 - 05/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến một phụ nữ đang mang thai tử vong tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.

Vụ thiếu niên đi xe phân khối lớn va chạm làm chết thai phụ: Chủ xe có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ thiếu niên đi xe phân khối lớn gây tai nạn thương tâm. Ảnh: OTO+

Thiếu niên đi xe phân khối lớn gây tai nạn thương tâm

Chiều ngày 2/7, P.N.C. (sinh năm 2007, ngụ phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển xe mô tô phân khối lớn mang biển số 47A1-007.31 lưu thông trên Đại lộ Đông Tây (theo hướng xã Hòa Thắng đi trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột).

Khi đến đoạn đường phường Tự An (thành phố Buôn Ma Thuột), xe phân khối lớn do P.N.C. điều khiển đã tông vào xe máy do chị N.T.H. (sinh năm 1998, ngụ thành phố Buôn Ma Thuột) cầm lái.

Hậu quả, vụ tai nạn khiến chị N.T.H. (đang mang thai tháng thứ 5) tử vong tại chỗ. Còn P.N.C. bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu nhưng cũng đã tử vong sau đó.

Chủ xe có bị xử lý hình sự khi giao cho nam thiếu niên đi xe phân khối lớn?

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, chiếc xe mô tô phân khối lớn do ông P.V.L. đứng tên chủ sở hữu. Ông P.V.L. là bố đẻ của người điều khiển xe gây tai nạn. 

Nhiều người chia buồn, xót xa bởi vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 1 thiếu niên mới 16 tuổi và 1 thai phụ. 

Bên cạnh đó, việc mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm là theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm khối trở lên phải có giấy phép lái xe hạng A2.

Mặt khác, Luật cũng quy định rõ những người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được thi bằng lái xe máy hạng A1 trở lên. Trong khi đó, thiếu niên P.N.C. mới chỉ sinh năm 2007 (16 tuổi) nên không thể đủ điều kiện có giấy phép lái xe để điều khiển xe mô tô phân khối lớn. 

Dư luận cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của người giao xe phân khối lớn cho thiếu niên P.N.C., đồng thời đặt vấn đề, việc người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn tới tai nạn chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Trước hết, theo khoản 7, điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì căn cứ không khởi tố vụ án hình sự là: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Vậy nên, do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là P.N.C. đã tử vong nên cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án vi phạm quy định về tham gia giao đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phải điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn và có hay không hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, từ đó để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Đối với vụ tai nạn trên, ông P.V.L. bố của thiếu niên đi xe phân khối lớn gây chết người là chủ sở hữu xe. Nếu cơ quan điều tra chứng minh nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông là do lỗi của P.N.C., đồng thời P.N.C. được người bố giao xe (hoặc người khác giao xe) mà biết rõ P.N.C. không có giấy phép lái xe thì người giao xe sẽ bị khởi tố theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bởi khoản 76 điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" như sau:

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngược lại, nếu nam thiếu niên tự ý lấy xe, và bố mẹ không biết hoặc không thể biết thì cha mẹ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trách nhiệm dân sự vẫn sẽ được đặt ra trong vụ việc này. Khoản 2 điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

"Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình".

Do đó, đối với vụ việc trên, trong trường hợp P.N.C. còn sống và có tài sản riêng thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Tuy nhiên, P.N.C. đã tử vong nên bố mẹ của người này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại toàn bộ cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân.

Quy định này của pháp luật không có nghĩa rằng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thay cho con, mà quy định này nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, đồng thời bảo đảm nguyên tắc bồi thường kịp thời theo khoản 1, điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vi phạm giao thông làm chết phụ nữ mang thai thì có được coi là làm chết 2 người?

Đối với vụ thiếu niên gây tai nạn làm chết thai phụ nêu trên, dư luận cũng băn khoăn trường hợp này có được coi là làm chết 2 người hay không?

Theo đó, trong vụ việc này, thai phụ đang mang thai ở tháng thứ 5. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hình sự thì một cá nhân là một con người cụ thể được xác định từ khi sinh ra cho đến khi chết đi và tồn tại trong một tập thể hoặc trong một cộng đồng xã hội. Hay nói cách khác, thời điểm bắt đầu sự sống của con người dưới góc độ pháp lý hình sự là kể từ lúc họ được sinh ra và tồn tại độc lập với người mẹ.

Như vậy, đứa trẻ chưa được sinh ra thì chưa có vị trí pháp lý. Vậy nên, đối với vụ việc trên, gây tai nạn khiến thai phụ tử vong chỉ được xem xét là là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại điểm i khoản 1 điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.