Vụ tấn công tại Đắk Lắk: Xử lý nghiêm hơn 100 trường hợp đăng thông tin độc hại, bịa đặt gây hoang mang dư luận

Hồng Ngọc
21:58 - 16/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vụ việc dùng vũ khí tân công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật để "câu like" trên mạng xã hội

Theo Báo Đắk Lắk, ngày 15/6, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với N.T.H.T ở thành phố Buôn Ma Thuột về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật.

Cụ thể, ngày 13/6, T đã sử dụng trang Facebook cá nhân đăng tải 1 hình ảnh chứa nội dung sai sự thật trên Facebook cá nhân làm người đọc hiểu rằng nhóm đối tượng khủng bố đã bắn chết 2 người ở đường Y Moan.

Vụ tấn công tại Đắk Lắk: Xử lý nghiêm hơn 100 trường hợp đăng thông tin độc hại, bịa đặt gây hoang mang dư luận - Ảnh 1.

Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk làm việc với N.T.H.T. về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Tại cơ quan công an, T cho biết vì muốn cảnh báo cho mọi người cẩn thận mà không kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, T đã nhận thức được việc đăng tải thông tin trên là sai sự thật và cam kết không tái phạm.

Trước đó, theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, ngày 14/6, Công an huyện Ea H'leo đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với N.C.C ở thôn 4 (xã Ea Hiao) về hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Theo đó, C đã sử dụng mạng xã hội TikTok cá nhân đăng tải nhiều video clip không đúng sự thật về vụ tấn công vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã tại huyện Cư Kuin với các tiêu đề "câu like" như: “Cận cảnh bộ công an đã điều chiến đấu cơ Su30 đến Đắk Lắk để tiêu diệt bọn khủng bố”, danh sách danh tính các đối tượng… làm nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng. Qua kiểm chứng, những hình ảnh, video trên là hình ảnh của buổi diễn tập tháng 4/2023.

Vụ tấn công tại Đắk Lắk: Xử lý nghiêm hơn 100 trường hợp đăng thông tin độc hại, bịa đặt gây hoang mang dư luận - Ảnh 2.

Công an làm việc với một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk

Tại cơ quan công an, C thừa nhận do sự thiếu hiểu biết nên đã lấy video máy bay quân sự và các hình ảnh không rõ nguồn gốc trên mạng và đăng tải. Công an huyện Ea H’leo đã yêu cầu C gỡ bỏ nội dung vi phạm và cam kết không tái phạm.

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đắk Lắk), từ ngày 12/6 đến nay, đơn vị đã phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải các thông tin xấu, độc liên quan đến vụ việc huyện Cư Kuin.

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là chia sẻ lại thông tin từ các trang Facebook, TikTok… của các cá nhân với mục đích tương tác trên mạng xã hội; do đó sau khi được giải thích, họ đã nhận ra hành vi sai phạm, tự gỡ bỏ bài đăng và viết cam kết không tái phạm.

Hiện, nhiều cá nhân, tổ chức phản động tìm cách tạo những giả thuyết sai lệch nhằm lái dư luận chỉ trích chính quyền địa phương… gây ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt công tác cũng như hoạt động điều tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân sử dụng cách "giật tít" mang tính kích động để gây sự chú ý hay đưa ra các câu chữ mập mờ gây hiểu lầm.

Qua sự việc này, Công an tỉnh Đắk Lắk cảnh báo công dân trên địa bàn cần cẩn trọng đối với các nguồn thông tin trên mạng Internet. Chỉ tiếp nhận những thông tin chính thống do các cơ quan chức năng thông báo. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin bịa đặt, không chính xác, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoảng loạn, thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng khuyến cáo, mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần kiểm tra nguồn tin, tính chính xác, tránh “sập bẫy” các đối tượng xấu, đặc biệt là trước các luồng thông tin, hình ảnh từ các trang cá nhân hoặc tổ chức chống Nhà nước. Việc đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, bịa đặt sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Theo TTXVN, Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, liên quan đến vụ tấn công tại Đắk Lắk, trên địa bàn huyện đã có tổng cộng 8 đối tượng ra đầu thú.

Đến ngày 16/6, lực lượng Công an đã bắt giữ, xử lý hơn 50 đối tượng có trực tiếp tham gia vào vụ việc, đặc biệt toàn bộ số đối tượng cầm đầu đều bị bắt giữ; tịch thu nhiều vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn.

Trước đó, ngày 15/6, Thiếu tướng Lê Vinh Quy - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã có Thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, truy bắt bằng được các đối tượng đã gây ra vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng yêu cầu và kêu gọi các đối tượng đang lẩn trốn sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bộ Công an đề nghị người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin chính xác giúp lực lượng chức năng truy bắt đối tượng; hết sức cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, thù địch, chủ động bảo đảm an toàn trong thời gian lực lượng chức năng tiếp tục truy bắt đối tượng lẩn trốn.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận bị xử phạt thế nào?

Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Bình luận của bạn

Bình luận