Vụ "Chuyến bay giải cứu": Phiên tòa tạm dừng để xem xét mức độ khắc phục của bị cáo

Dũng Minh
10:50 - 17/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 17/7, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên bố cho phiên tòa "Chuyến bay giải cứu" tạm dừng để các bị cáo nộp chứng từ, giấy tờ liên quan đến việc khắc phục hậu quả.

Vụ "Chuyến bay giải cứu": Phiên tòa tạm dừng để xem xét mức độ khắc phục của bị cáo - Ảnh 1.

Các bị cáo khai báo tại tòa án. Ảnh: Hùng Anh/VOV

Tạm dừng phiên tòa phiên tòa "Chuyến bay giải cứu" để các bị cáo nộp chứng từ về việc khắc phục hậu quả

Theo đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phiên tòa "Chuyến bay giải cứu" quyết định cho tòa tạm dừng để Viện kiểm sát dựa vào giấy tờ, chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo nhằm đề xuất mức án phù hợp. Hội đồng xét xử chưa thông báo thời gian tiếp tục phiên tòa.

Trong thời gian tạm nghỉ, các bị cáo sẽ nộp các chứng từ, giấy tờ liên quan đến việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả (nhiều bị cáo đã nộp từ trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều bị cáo nộp thêm tiền trong quá trình diễn ra phiên tòa).

Trước phiên xét xử hôm nay, tổng cộng 54 bị cáo đã nộp khoảng 60 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, trong số hơn 164 tỷ đồng được cáo trạng xác định. Trong đó, riêng cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nộp khoảng 16 tỷ đồng; cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nộp xong số tiền khắc phục hậu quả khoảng 2 tỷ đồng...

Trong 4 ngày xét hỏi, nhiều bị cáo đã thành khẩn nhận tội và xin tòa xem xét khi lượng hình. Hiện tại, chỉ còn bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên đang kêu oan, phủ nhận toàn bộ mọi tội danh cáo buộc. Còn bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Hòa cho rằng chỉ "có động tác làm như mình đã đi hối lộ" nên mong tòa xem xét.

Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương đưa công dân về nước cách ly, các bị cáo đã có hành vi đưa, nhận hối lộ với số tiền lớn (hơn 164 tỷ đồng) để xin cấp phép các "Chuyến bay giải cứu". Điều này khiến chi phí cho mỗi công dân về nước bị đội lên.

Phiên tòa "Chuyến bay giải cứu" - dân chủ, minh bạch và thượng tôn pháp luật

Theo kế hoạch, phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu” dự kiến xét xử trong 1 tháng. Tuy nhiên, sau 4 ngày diễn ra, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.

Theo nhận định của giới chuyên môn, với tiến độ và diễn biến các bên tố tụng như hiện nay, phiên tòa sẽ rút ngắn thời gian hơn dự kiến. Mặc dù tiến độ xét xử vụ án được đẩy nhanh nhưng chất lượng thẩm vấn, điều hành phiên tòa của Hội đồng Xét xử được đánh giá cao bởi sự dân chủ, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo được Hội đồng Xét xử và đại diện Viện Kiểm sát lắng nghe, giải đáp kịp thời đề nghị của bị cáo. Bên cạnh đó, các bị cáo được trình bày đầy đủ, rành mạch những nội dung liên quan đến vụ án.

Nhiều bị cáo được đặt câu hỏi với các bị cáo khác cũng như đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu"

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ," "Môi giới hối lộ," "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:

21 bị cáo về tội "Nhận hối lộ."

23 bị cáo về tội "Đưa hối lộ."

4 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

4 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ."

1 bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

1 bị cáo về cả hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ."

Nguồn: VOV/Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận