Vụ "Chuyến bay giải cứu": Bị cáo phải bán nhà để tổ chức những chuyến bay nhân đạo

Dũng Minh
21:23 - 20/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 20/7, phiên tòa xét xử vụ "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh tụng. Các bị cáo là chủ các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay, đã bày tỏ những ấm ức và cho rằng tổ chức các chuyến bay đều vì mục đích nhân đạo.

Vụ "Chuyến bay giải cứu": Bị cáo phải bán nhà để tổ chức những chuyến bay nhân đạo - Ảnh 1.

Bị Cáo Mai Xa tự bào chữa tại Hội đồng xét xử. Ảnh: VOV

Bị cáo khóc tại tòa, xin tha cho vợ trong vụ chuyến bay giải cứu

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt bật khóc tại tòa khi nhắc đến vợ mình là Vũ Thùy Dương, cũng bị truy tố trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". Bị cáo Mạnh cho rằng chính mình đã chỉ đạo và gián tiếp đẩy vợ vào con đường phạm tội.

Theo cáo trạng, để được cấp phép bay, Nguyễn Tiến Mạnh đã đưa hối lộ 27,8 tỷ đồng. Vợ của bị cáo Mạnh là Vũ Thùy Dương đưa hối lộ 24,2 tỷ đồng. Nhưng Mạnh và Dương đều khai mọi việc do Mạnh quyết định. Dương chỉ làm theo sự chỉ đạo của chồng. Bị cáo Mạnh bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 7-8 năm tù; bị cáo Dương bị đề nghị 2-3 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh tự bào chữa tại tòa, cho rằng thời gian diễn ra các "Chuyến bay giải cứu", công ty của bị cáo đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được nhiều công dân đặt chỗ cho chuyến bay. "Bị cáo nhận được rất nhiều cuộc gọi, nhắn tin của công dân để đăng ký chuyến bay. Bị cáo đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Từ khâu chọn khách sạn, đào tạo nhân viên, liên hệ với địa phương… để thực hiện tốt các chuyến bay giải cứu. Đặc biệt là theo tinh thần chỉ đạo, các hành khách đều có danh sách. Người già yếu, hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ" - bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh khai.

Phó Giám đốc của Lữ Hành Việt trình bày, bị cáo rất tin tưởng sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy thì các chuyến bay giải cứu của Lữ Hành Việt sẽ được cấp phép. Nhưng thực tế sau những lần nộp hồ sơ đầu tiên, bị cáo Mạnh thất vọng vì không được duyệt: "Lúc đó bị cáo không biết trả lời với những công dân đăng ký chuyến bay của bị cáo thế nào. Không thể nói được sự thật khắc nghiệt. Do đó bị cáo quyết tâm phải tìm cách thực hiện chuyến bay giải cứu (dẫn đến hành vi đưa hối lộ)".

Cựu Phó Giám đốc Lữ Hành Việt tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử nhân văn nhân đạo, cho bị cáo Dương được ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ của người con với cha mẹ, nghĩa vụ của mẹ với các con. Bị cáo cũng mong muốn vợ không phải ngồi tù để tiếp tục điều hành công ty, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động của Lữ Hành Việt.

Nữ giám đốc bị làm khó khi xin phép chuyến bay giải cứu vì "sếp không biết doanh nghiệp em là ai"

Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife, tự bào chữa cho bản thân tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" ngày 20/7. Bị cáo cho biết đã phải bán nhà để tổ chức những chuyến bay nhân đạo, nhưng lại bị từ chối cấp phép chỉ vì "sếp không biết doanh nghiệp em là ai".

Bị cáo trình bày, giai đoạn đầu tiên công ty xin cấp phép chuyến bay giải cứu vào tháng 6/2021, chuyến bay đó là lần đầu tiên bị cáo có hành vi vi phạm, xuất phát từ nguyên nhân rất cụ thể. "Bị cáo sốt ruột, tháng 4 đã bị mất chuyến bay, phải bán nhà, thời điểm này 2 ngày trước khi bay mà không được thì khổ"- bị cáo Mai Xa trình bày.

Do đó, bị cáo có gọi điện cho Cục Lãnh sự thì được giải thích có vướng mắc ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Sau đó, bị cáo đã liên hệ, gặp Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) thì được Cường thông báo: "Văn bản của công ty bị từ chối do sếp không biết doanh nghiệp em là ai".

"Khi đó bị cáo rất lo lắng, rất run, như "chim ngay sợ cành cong", bị cáo Mai Xa nói. Bị cáo cho biết, lúc đó, trong lòng rất ấm ức. Vì mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà giờ bị từ chối.

"Lúc đó bản thân bị cáo không biết văn bản bị từ chối. Sau này làm việc với cơ quan an ninh điều tra thì được cung cấp đó là văn bản đã bị từ chối. Bị cáo đã làm việc với anh Vũ Sỹ Cường, thì được nói "thôi để giải quyết nhanh em nên làm theo cơ chế "cảm ơn", nếu không kịp thì sẽ khó lắm" - theo bị cáo Mai Xa cho biết, do không có sự lựa chọn nên phải đi xoay tiền mới được ý kiến đồng thuận cấp phép.

"Đáng lẽ ra, sự đồng thuận đó là trách nhiệm của các bộ ban ngành. Nhẽ ra, Cục Lãnh sự phải đi giải quyết. Bị cáo rất giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó, dẫn đến một loạt các sai phạm" - bị cáo chia sẻ và mong Hội đồng xét xử xem xét.

Cũng theo bị cáo Trần Thị Mai Xa, trên những chuyến bay giải cứu bị cáo tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ, trong đó có khoảng trung bình tầm 10 hũ tro cốt được mang về. Lúc đó bà hỏi tại sao lại từ chối, không cấp phép cho công ty của mình, phía Cục Lãnh sự nói là "bên đó nói chưa có sự cấp thiết".

Theo cáo trạng, Trần Thị Mai Xa từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022 đã đưa hối lộ 20 lần với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng.

Nguồn: VOV/Tổng hợp