Vụ AIC và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh: Kêu gọi các bị can bỏ trốn ra đầu thú, dự kiến ngày 23/10 xét xử

Hồng Ngọc
16:31 - 10/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 10/10/2023, Bộ Công an đã phát đi thông báo kêu gọi đầu thú đối với 4 bị cáo bỏ trốn trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC, trong đó có Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Bộ Công an yêu cầu 4 bị can bỏ trốn trong vụ AIC và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ra đầu thú

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 31/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Ngày 25/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 98/2023/QĐXXST-HS đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC;

Vụ AIC và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh: Kêu gọi các bị can bỏ trốn ra đầu thú, dự kiến ngày 23/10 xét xử - Ảnh 1.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

2. Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1970) - Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC;

3. Trương Thị Xuân Loan (sinh năm 1974) - Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC;

4. Nguyễn Thị Tích (sinh năm 1962) - Tổng Giám đốc Công ty Mopha.

4 bị cáo hiện đang bỏ trốn và bị truy nã. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 4 bị cáo trên về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra còn có 10 bị cáo khác bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015; và 2 bị cáo bị truy tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Dự kiến phiên tòa xét xử công khai các bị cáo trên sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 23/10/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh (khu đô thị Cao Xanh, Hà Khánh B, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Bộ Công an yêu cầu các bị cáo tự giác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng; nếu vắng mặt, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh và Công ty AIC

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận định, vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh (do Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Bà Nhàn đã chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan - Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư; chỉ đạo Đỗ Văn Sơn thực hiện hành vi gian lận; giao cho Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên lập hồ sơ “quân đỏ,” “quân xanh;” giao cho Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo, điều hành các công ty do Nhàn thành lập, chỉ đạo, thực hiện thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm “quân xanh,” để Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng 6/6 gói thầu tổng số tiền hơn 232 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 50,6 tỷ đồng.

Cáo trạng nhận định, để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức của các bị can thuộc Công ty AIC và các Công ty có liên quan; bên cạnh đó là hành vi tạo điều kiện của các bị can thuộc Chủ đầu tư và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện Kế hoạch đấu thầu.

Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sủa đổi năm 2017 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

- Thông thầu;

- Gian lận trong đấu thầu;

- Cản trở hoạt động đấu thầu;

- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

- Chuyển nhượng thầu trái phép.


Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, TTXVN