VPBank và thương vụ bán vốn - một nước đi thông thái
Trong số các ngân hàng TMCP tại Việt Nam, VPBank là một cái tên trong 3 năm gần đây giành được nhiều sự quan tâm bởi thương vụ bán vốn khá "đình đám", giá cổ phiếu của nhà băng này cũng đã liên tục lập những mốc tăng đáng kể.
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) một lần nữa gây chú ý bởi thông tin đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản – thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Chuyên gia công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, việc thương lượng thành công trong việc phát hành 15% vốn thông qua việc bán bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMFG) với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, VPBank đã trở thành ngân hàng có bộ đệm vốn tốt nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Các chỉ số tài chính được củng cố
Được biết, trong năm 2021, VPBank đã thoái vốn thành công với tỉ lệ 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng FE Credit sau khi bán cho SMBC. Giờ đây việc phát hành 15% vốn đã có thể giúp VPBank thắt chặt và cải thiện hơn nữa quan hệ hợp tác của ngân hàng với SMFG. Qua đó, tập đoàn tài chính Nhật có thể đồng hành cùng nhà băng này cải thiện các quy trình, quy chế trong quản trị ngân hàng cũng như giúp cung cấp các nguồn vốn có giá rẻ từ nước ngoài. Đó là một lợi thế đáng kể cho VPBank, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung đầy khó khăn, thách thức. Có thể nói đây là một nước đi ... thiên tài!
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, thỏa thuận đầu tư được ký kết giữa hai bên đã minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau giữa VPBank và SMBC. Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua lại 49% cổ phần tại FE Credit, công ty con của VPBank.
Tiếp nối theo khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Điều đó cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở những phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền tảng vốn lớn còn cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Ở vai trò là một nhà đầu tư chiến lược, SMBC sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á. Quá trình chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng đẩy nhanh sau khi SMBC tham gia vào hoạt động của VPBank, nhằm mang đến những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phát triển đáp ứng đúng nhu cầu và hành vi của khách hàng.
Hơn nữa, thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Những tập đoàn này, khi đầu tư vào Việt Nam, có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.
Đối với SMBC, thông qua một ngân hàng bản địa như VPBank, tập đoàn này cũng có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn trong nước, đặc biệt ở những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững mà tập đoàn đang có sự quan tâm.
Những cơ hội mới cho một nhà băng tư nhân
Các chuyên gia ước tính số vốn chủ sở hữu (không tính lợi ích cổ đông thiểu số) của VPBank đã đạt mức lớn thứ hai Việt Nam ở khoảng 135 nghìn tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank là 138 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CAR của VPBank ước tính rơi vào khoảng 20,5% so với 14,8% cuối năm 2022. Đây là một trong những tiêu chí để VPBank có khả năng nhận được room tín dụng ở mức cao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2023. Năm ngoái, ngân hàng mẹ của VPBank được NHNN giao cho hạn mức là 31%, cao nhất hệ thống.
Bên cạnh đó, với việc tiếp nhận một lượng vốn lớn, thị trường cũng kỳ vọng VPBank sẽ có thể tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào việc các sản phẩm và năng lực mới, ví dụ như ở mảng chứng khoán - VPBank Securities hay mảng bảo hiểm phi nhân thọ - OPES.
Việc hợp tác với Sumitomo là một lợi thế vượt trội của VPBank khi khiến đối tác trở thành một cổ đông chiến lược, nắm giữ vị trí quan trọng giúp VPBank thắt chặt và cải thiện hơn nữa quan hệ hợp tác của ngân hàng với SMFG. Việc bán thành công một lần nữa chứng tỏ năng lực cạnh tranh, ưu thế vượt trội về chiến lược, sản phẩm và định hướng của ngân hàng này trong tương lai.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VPBank cũng trình cổ đông thông qua việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản. Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng. Từ đó, các cổ đông đều được cập nhật về số vốn điều lệ của VPBank đã tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ. Qua đó, VPBank chính thức trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Trao đổi thêm với các cổ đông liên quan đến việc bán vốn, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, ngày 18/4, đối tác SMBC đã chuyển 10% giá trị cổ phần đã mua, tương đương 3.590 tỷ đồng.
Phần còn lại, VPBank sẽ nhận sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật. Dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2023, các thủ tục sẽ hoàn tất.
Liên tiếp những tin tức tích cực trước ngày thông tin về thỏa thuận thành công, trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu "VPB" đã có những phiên tăng điểm lạc quan, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại sau khi các tin tức tích cực đã qua đi, giá cổ phiếu VPB đã có 3 phiên liên tiếp giảm điểm cùng với xu hướng giảm điểm chung của VN-Index. Tuy nhiên với khối lượng giao dịch ở những cây nến đỏ không đột biến, vì vậy, các chuyên gia kì vọng, VPB vẫn làm điểm sáng trong rổ cổ phiếu của các ngân hàng. Giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại (20/4) mở cửa ở mức 19.650 đồng/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 19.350 đồng/cổ phiếu tức là giảm 0.35 điểm (-1.78%) so với phiên trước. Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn đạt 12.244.000 cổ phiếu. Chuyên gia vẫn đang xếp VPB vào rổ khuyến nghị mua, trong đó, giá mục tiêu của cổ phiếu này được định khoảng 25.700 đồng/cổ phiếu.
Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập sớm nhất tại Việt Nam, VPBank đã có lịch sử phát triển bền vững trong 30 năm. VPBank hiện đang là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam xét về sự hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh. Ngân hàng có sự hoạt động mạnh mẽ trong các phân khúc bán lẻ và SME. Đồng thời, VPBank cũng là ngân hàng tiên phong về chuyển đổi số nhằm mang lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính tốt nhất và nhanh nhất.
Đến ngày 31/21/2022, tổng tài sản của VPBank đạt xấp xỉ 27 tỷ USD. Ngân hàng có 251 chi nhánh trên khắp cả nước. Là một trong những ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc nhất tại Việt Nam, với hệ số CAR xấp xỉ 15%, VPBank không chỉ vượt xa các quy định an toàn vốn mà còn tăng cường sức mạnh đáng kể cho bảng cân đối tài chính, tạo dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Nhật Bản. SMBC đang gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu với một mạng lưới mở rộng tại 39 quốc gia và khu vực, bao gồm ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.
SMBC cùng các công ty thành viên cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính, bao gồm gửi tiết kiệm, cho vay, môi giới và giao dịch chứng khoán, đầu tư chứng khoán, chuyển tiền, đổi ngoại tệ, dịch vụ ủy thác trái phiếu doanh nghiệp, dịch vụ lưu ký, bảo lãnh hợp đồng tài chính kỳ hạn và các hoạt động ngân hàng thương mại khác. Hiện SMBC được Fitch Ratings và Standard & Poor’s Global xếp hạng tín nhiệm mức “A”, Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức “A1”.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google