VinSpeed tham vọng khởi công đường sắt cao tốc Bắc – Nam trước 12/2025
VinSpeed sẽ hợp tác với Vingroup và Vinhomes đề xuất phát triển các đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại các vị trí phụ cận với các ga đường sắt theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).
Đảm bảo khởi công xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước 31/12/2026
Tại Nghị quyết số 106/NQ-CP về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tiến độ triển khai phải rất khẩn trương.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, VinSpeed cùng các đơn vị liên quan lập kế hoạch xúc tiến đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với mục tiêu có thể khởi công một số hạng mục thành phần ngay trước tháng 12/2025, sớm hơn với kế hoạch 31/12/2026.
Một trong các yêu cầu liên quan là việc tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026; triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035 theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội.
Được biết, quy mô xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng là thành viên của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã công bố kế hoạch tham gia đầu tư vào dự án. Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Bà Đào Thụy Vân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed chia sẻ: “Đây là thời điểm lịch sử đối với khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bởi chúng tôi cảm nhận sâu sắc được quyết tâm, ủng hộ và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, dù biết còn nhiều khó khăn thách thức, chúng tôi đã mạnh dạn và chủ động đăng ký đầu tư dự án này.
Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức, quyết liệt sáng tạo và hành động để phát triển dự án. Chúng tôi tin rằng bằng sự linh hoạt và kinh nghiệm thương trường, chúng tôi sẽ tạo ra nguồn thu, bù đắp chi phí đầu tư, góp phần hoàn trả đúng hạn các khoản vay”.
Với mục tiêu xác định đây sẽ là dự án cống hiến dài hạn trong nhiều thập kỷ, VinSpeed mong muốn có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030. Hiện VinSpeed đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam.
Công ty cho biết, sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ nhằm tạo sự chủ động trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cho quốc gia.
Để đảm bảo một phần nguồn thu hoàn trả cho Nhà nước, VinSpeed sẽ hợp tác với Vingroup và Vinhomes đề xuất phát triển các đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại các vị trí phụ cận với các ga đường sắt theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google