Việt Nam thu về 6,4 triệu USD từ xuất khẩu nghêu sang Italy

Li Lê
16:03 - 18/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giá trị nghêu Việt Nam xuất khẩu sang Italy trong quý I năm nay đạt 6,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa nước này trở thành thị trường đơn lẻ nhập khẩu nghêu lớn nhất của nước ta.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), quý I/2022, nghêu vẫn là sản phẩm chính trong các loài thuỷ sản có vỏ, chiếm 66% với gần 21 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam kiếm được 6,4 triệu USD từ xuất khẩu nghêu sang Italy - Ảnh 1.

Quý I/2022, nghêu vẫn là sản phẩm chính trong các loài thuỷ sản có vỏ, chiếm 66%.

Trong quý I năm nay, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Anh và Nhật Bản là các thị trường nhập khẩu nghêu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh 182%.

Còn tại thị trường EU, trong 3 tháng đầu năm, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ là các nước nhập khẩu nhiều nghêu của Việt Nam nhất trong khối. Giá trị xuất khẩu nghêu sang các thị trường EU đều tăng trưởng 2 con số từ 33%-45%. Trong đó, Italy là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nghêu lớn nhất của Việt Nam, với 6,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nghêu sang Tây Ban Nha đạt 6,3 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ.

Hiện lạm phát khiến giá cả thực phẩm tại EU tăng mạnh, giúp mặt hàng nghêu Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng và các nhà nhập khẩu tại khu vực này. Thị trường EU chủ yếu yêu thích các sản phẩm nghêu như nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…

Theo VASEP, ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA cũng giúp xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường EU trong năm nay khả quan, dự kiến tăng trưởng tốt.

Quý I có 13 địa phương trên cả nước có nghêu xuất khẩu. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa chiếm trên 24% kim ngạch xuất khẩu nghêu với trên 3 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm nghêu xuất khẩu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa. Tỉnh có kim ngạch nghêu xuất khẩu lớn thứ 2 là Bến Tre với 2,1 triệu USD, chiếm 16% với 3 công ty xuất khẩu gồm Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre, Công ty Cổ phần Thủy sản Bến Tre và Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát.

Hiện, nghêu Việt Nam có ưu thế lớn về uy tín, chất lượng, đặc biệt nghêu ở Bến Tre đã được cấp chứng nhận quốc tế MSC (chứng chỉ về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm). Nghêu Việt Nam được đánh giá cao về hương vị, dinh dưỡng, có ruột trắng, thịt dày và là sản phẩm được yêu thích tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nghêu của Việt Nam đã kiểm soát được vùng nuôi, nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, doanh nghiệp cần đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại làm sạch ngao và chế biến ngao tươi sống, đông lạnh và đồ hộp, đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: VASEP