Vì sao hơn 10 năm, Việt Nam chỉ có hơn 200 công trình xanh?

Quỳnh Giang
07:11 - 01/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 200 công trình. Như vậy còn quá ít so với tiềm năng, yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Công trình xanh còn quá ít

Tại Hội thảo về Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững diễn ra tại Hà Nội ngày 29/7, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết: Hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 200 công trình, tổng diện tích trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Với con số 200, số công trình xanh ở Việt Nam còn quá ít so với tiềm năng, yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí "phát thải ròng bằng 0".

Trong khi đó, công trình xanh là mục tiêu trọng tâm Việt Nam cần hướng đến, bởi tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng những năm qua đã đạt 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cũng lên đến 40,5%. Điều này là thách thức lớn khi chỉ còn hơn 27 năm là đến đích cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) về "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Rất ít công trình xanh từ vốn ngân sách

Mặc dù thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, sử dụng một cách rộng rãi các sản phẩm, vật liệu này chủ yếu mới chỉ đến từ những nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, vật liệu xây dựng. Các hoạt động mang tính rộng rãi, toàn diện của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đang thiếu.

Bên cạnh đó, các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khó tiếp cận ưu đãi cụ thể về tài chính, đồng thời nhận thức và sự quan tâm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành và người sử dụng công trình vẫn chưa đầy đủ, cần sự hỗ trợ toàn diện, rộng rãi từ Nhà nước.

Đáng chú ý, các công trình xanh ở Việt Nam chủ yếu do khối tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài xây dựng. Công trình xanh xây dựng từ vốn ngân sách rất ít, triển khai chậm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và sử dụng các vật liệu xanh hiện tại chỉ mới đến từ nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam chỉ có hơn 200 công trình xanh, vì sao lại ít vậy? - Ảnh 1.

Hội thảo "Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững" diễn ra tại Hà Nội
ngày 29/7. Ảnh: Báo Xây dựng

Doanh nghiệp ngại đầu tư công trình xanh

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì cho rằng chi phí xây dựng ban đầu lớn, cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường.

Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra khi dự án không áp dụng các giải pháp xanh ngay từ những giai đoạn đầu tiên, hoặc lựa chọn giải pháp phức tạp, không hữu ích, có thời gian hoàn vốn dài. "Thực tế, nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2-3 năm", Kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh nói.

Mặt khác, nhiều người vẫn ngộ nhận rằng chỉ những dự án lớn, phức tạp và có vốn đầu tư lớn mới có thể đạt chứng nhận công trình xanh. Trong khi đó, hiện nay đã có những hệ thống đánh giá áp dụng cho nhiều loại hình công trình, như là LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.

Chứng nhận công trình xanh LOTUS là gì?

Nhiều chương trình chứng nhận công trình xanh đã được phát triển để giải quyết các nhu cầu cụ thể của các quốc gia khác nhau. Hai trong số các chương trình chứng nhận công trình xanh toàn diện và phổ biến nhất tại Việt Nam là LEED do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) tạo ra và LOTUS do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) phát triển.

Cả hai chương trình này đều được quốc tế công nhận là thuộc nhóm những chứng chỉ công trình xanh khắt khe nhất hiện nay về cả các tiêu chuẩn bền vững về môi trường cho các tòa nhà cũng như thực hành trách nhiệm xã hội.

LOTUS là hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam, mang tính tự nguyện, được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) – một dự án phi lợi nhuận của Green Cities Fund (California, Hoa Kỳ).

LOTUS là chương trình chứng nhận duy nhất kết hợp đầy đủ các quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đồng thời chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong việc thiết lập các tiêu chí của mình. Mục đích là thiết lập các đường cơ sở và điểm chuẩn tương đương với các hệ thống tiên tiến như LEED và Green Mark.

Gần 20 năm thực hiện Nghị định 102 

Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, nhìn chung, việc thực hiện còn nhiều hạn chế, thách thức.

Cụ thể, nước ta chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh. Nhận thức và sự quan tâm của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đầy đủ.

Đồng thời, các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm, vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình còn thiếu. Những ưu đãi cụ thể về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… khó tiếp cận.

Xây dựng rõ ràng các tiêu chí

Tại Hội thảo về giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Nhu cầu xây dựng, sử dụng công trình của Việt Nam tăng mạnh vì tốc độ chuyển đổi, đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, nhận thức của người dân, một số cơ quan quản lý về công trình xanh còn mơ hồ. Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển công trình xanh đến nay vẫn mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu liên kết. Do đó, việc truyền thông mạnh mẽ để công trình xanh đi vào cuộc sống và ngày càng phổ biến với người dân hơn là điều cần thiết.

Các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… cần nghiên cứu xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình xanh, tạo điều kiện cơ sở để phát triển phổ biến loại công trình này. Trong đó, cần rõ ràng được các tiêu chí, tiêu chuẩn về vật liệu xanh để xây dựng công trình xanh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đúng là hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan Nhà nước về trình tự thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng. Quy trình bắt buộc về đánh giá, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng cũng chưa có.

Bên cạnh đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm, vật liệu xây dựng để đánh chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng… cũng đang thiếu.

Mục tiêu 25% khu đô thị mới là đô thị xanh

Mục tiêu trước mắt là đến 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí phát triển đô thị xanh, phát thải carbon thấp; việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà chung cư giảm ít nhất 25% lượng khí thải nhà kính so với năm 2020; 100 công trình đầu tư mới, các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tới đây, ngành xây dựng sẽ phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu là đến 2030, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Đến năm 2050 thì ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí xanh, phát thải carbon thấp…

Việt Nam chỉ có hơn 200 công trình xanh, vì sao lại ít vậy? - Ảnh 3.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam – Công trình xanh LOTUS Bạc. Ảnh: Ashui.com

Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050".

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược phấn đấu giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ cần phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững như: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu là tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai…

Công trình xanh là gì?

Theo Bộ Xây dựng, công trình xanh hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu khi mà các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người thông qua các nỗ lực toàn diện trên các khía cạnh: Thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính.

Số liệu thống kê cho thấy, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu 2 m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp bị mất đi. Như vậy, nếu như trong năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của nước ta khoảng 42 tỷ viên thì dự kiến sẽ phải tiêu tốn từ 50-70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

Hiện nay, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng ngày càng được các quốc gia trên thế giới chú trọng, đặt ở vị trí ưu tiên trong các chiến lược xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu như Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng đã được xây dựng từ lâu trên thế giới, song tại Việt Nam, loại công trình này nhìn chung còn khá mới mẻ, cần sự chung tay hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội, người dân.

Việt Nam chỉ có hơn 200 công trình xanh, vì sao lại ít vậy? - Ảnh 5.

Toà nhà Liên hợp quốc tại Hà Nội là công trình đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Ảnh:Bộ Xây dựng

Công trình xanh (Green Buildings), theo định nghĩa của Hội đồng công trình xanh thế giới, là tòa nhà, trong quá trình thiết kế, xây dựng hoặc vận hành, làm giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực và có thể tạo ra các tác động tích cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên. Công trình xanh bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Hệ thống tiêu chí Công trình xanh bao gồm: Hiệu quả năng lượng; Hiệu quả tài nguyên vật liệu xây dựng; Hiệu quả tài nguyên nước; Chất lượng môi trường không khí trong nhà; Môi trường sinh thái tự nhiên xung quanh; Quản lý vận hành. Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức xây dựng hệ thống tiêu chí, công cụ đánh giá và chứng nhận Công trình xanh như: LEED (Hoa Kỳ), Green Star (Úc), Casbee (Nhật bản), Green Mark (Singapore), GBI (Malaysia)…

Trong khi đó, Công trình hiệu quả năng lượng là công trình xây dựng được đánh giá và chứng nhận về hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Hiện nay, các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về đánh giá, chứng nhận hiệu quả năng lượng tòa nhà, gồm: ISO 17741:2016 (Đo lường, tính toán, thẩm định hiệu quả năng lượng); ISO 50001:2017 (Đánh giá hiệu quả năng lượng tòa nhà. Quy trình ISO 50003:2017 (Đánh giá hiệu quả năng lượng tòa nhà. Yêu cầu, xếp hạng, chứng nhận).

Nguồn: Tổng hợp