Vì sao nhà ở xã hội lại khó?

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
21:44 - 10/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các phân khúc của thị trường nhà ở được phân định rõ ràng trong Luật Nhà ở năm 2004, trong đó có nhà ở thương mại lên xuống theo thị trường, nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư, và nhà ở xã hội hình thành nửa theo thị trường, nửa theo trợ giúp của Nhà nước.

VÌ SAO NHÀ Ở XÃ HỘI LẠI KHÓ?  - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội của Công ty Hòa Bình. Ảnh: CTHB.

Cảm nhận riêng

Cứ mỗi dịp bước vào tháng 7 hàng năm, sắp đến ngày thương binh - liệt sĩ, tôi lại thấy xao động, trong vui có buồn, trong buồn có vui. Cái buồn vì biết bao thương binh, liệt sĩ đã bỏ lại một phần hay cả cuộc sống tại chiến trường, cái vui vì sự hy sinh đó là để tổ quốc được độc lập và thống nhất, mọi người được sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Tôi có cảm nhận riêng mỗi khi ngày 27/7 sắp về. Bố đẻ tôi đã hy sinh tại thị xã Phủ Lạng Thương (Bắc giang) trong vai chỉ huy trận đánh đầu tiên, trận đánh vào trại sĩ quan Pháp, trong ngày đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946). Khi đó bố tôi mới 22 tuổi, còn tôi chưa đầy 1 tháng tuổi. May là bố tôi kịp về qua quê nhìn mặt con trên đường hành quân ra trận từ Sơn Tây lên Bắc Giang. Mẹ tôi ở vậy nuôi con khôn lớn.

Từ những ngày tấm bé khó khăn, tôi cũng lớn dần với tính cách độc lập và cảm thông nhất là với những người đã hy sinh, mất mát xương máu cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi muốn cộng sức cùng những người bị thương tật nhưng vẫn đứng vững, không ỉ lại Nhà nước, dùng sức lực còn lại để tự làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Một trong những tổ chức của thương binh nặng ở Hà Nội gây ấn tượng mạnh với tôi là Tập đoàn Hòa Bình. Bắt đầu là Tổ hợp thương binh nặng được thành lập 1 năm sau ngày Đổi Mới với 09 thành viên, trong đó có 07 người là thương binh nặng, còn 2 người là cựu chiến binh. Đến nay, từ một tổ hợp nhỏ đã trở thành Công ty TNHH với hơn 3.000 lao động, thương binh chiếm tỷ lệ cao, lớn mạnh, đứng trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất và TOP 10 doanh nghiệp đầu tư Bất động sản uy tín nhất.

Công ty thương binh nặng Hòa Bình còn thường xuyên ủng hộ tiền trợ cấp cho đời sống thương binh tại nhiều địa phương, góp sức tu bổ nhiều nghĩa trang liệt sĩ tại những nơi chiến trận tuyến đầu làm yên lòng những quân nhân đã nằm xuống tại chiến trường.

Cũng vì như vậy mà tôi đồng cảm với người đứng đầu Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình, anh Nguyễn Hữu Đường - người cựu chiến binh lăn lộn với thương trường sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi chiến trường. Anh đang điều hành trực tiếp khách sạn Vàng tại Hà Nội, một sản phẩm dựng lên từ những bước đi trên thương trường.

Khách sạn lúc nào cũng đông nghịt khách nước ngoài vào Việt Nam làm việc, du lịch. Tôi thấy khách nước ngoài ở đây vận trên người những bộ đồ sang trọng và quý phái. Nhưng anh Đường vẫn trong tấm áo bộ đội cũ đã bạc màu, hình như sức mạnh của anh từ đó tạo ra…

Chuyện thị trường và nhà ở xã hội

Các phân khúc của thị trường nhà ở được phân định rõ ràng trong Luật Nhà ở năm 2004, trong đó có nhà ở thương mại lên xuống theo thị trường, nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư, và nhà ở xã hội hình thành nửa theo thị trường, nửa theo trợ giúp của Nhà nước. Luật đã ban hành từ năm 2004 nhưng mãi tới năm 2009 Chính phủ mới ban hành 4 Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội.

Cũng vào năm 2009, lạm phát xảy ra tại Việt Nam, và năm 2010 lạm phát quay lại, việc kiềm chế lạm phát làm cho thị trường giảm phát, nhất là thị trường bất động sản (BĐS). Các dự án nhà ở thương mại rơi băng giá, cung thừa mà cầu thiếu, nợ xấu tràn lan. Phải 5 năm sau mới yên được.

Sự tổn thương của phân khúc nhà ở thương mại lại làm cho phân khúc nhà ở xã hội phát triển. Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng để kích thích phân khúc này. Nhiều người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên cũng mua được nhà ở cho mình.

VÌ SAO NHÀ Ở XÃ HỘI LẠI KHÓ?  - Ảnh 1.

Nhiều người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên cũng mua được nhà ở cho mình. Ảnh: CTHB

Rất tiếc, những niềm vui mới chớm này đã vội tắt ngay khi gói tín dụng ưu đãi đã kết thúc giải ngân. Câu chuyện nhà ở xã hội lại về vạch xuất phát khi các địa phương không quy hoạch đất đai cho phát triển nhà ở xã hội, các ngân hàng cũng không mặn mà với việc cho vay ưu đãi, các nhà đầu tư dự án cũng không muốn thực hiện.

Đến năm 2014, Luật Nhà ở thứ 2 được ban hành với nhiều chính sách cởi mở hơn. Nhiều nguồn lực được động viên cho phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước miễn tiền để được sử dụng đất; các dự án nhà ở thương mại phải để 25% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; động viên đất đai từ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân có thiện ý đóng góp; ngân sách nhà nước cấp bù lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi… Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay phân khúc nhà ở xã hội vẫn gần như "im lặng".

Các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại không mấy quan tâm tới nghĩa vụ 25% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; chính quyền các địa phương không mấy mặn mà với quy hoạch sử dụng đất đai để phát triển nhà ở xã hội; các ngân hàng thương mại cũng không chịu cho vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã được Nhà nước cấp bù lãi suất.

Nước ta chưa đánh thuế cao vào những trường hợp đầu cơ nhà ở nên cách sinh lợi tốt nhất là đầu cơ nhà ở thương mại và người dân có tiền cũng tích trữ vào nhà ở này. Các nhà quản lý ở địa phương và các nhà đầu tư nhà ở cũng chỉ quan tâm tới lợi nhuận quá lớn tính được bằng tiền từ kinh doanh nhà ở. Giá nhà ở thương mại tăng lên hàng ngày, lợi nhuận ngày càng lớn. Nhà ở xã hội tạo bền vững xã hội, làm ra lợi nhuận không tính ngay được bằng tiền lại không được mấy quan tâm.

Theo cách phát triển này có 3 rủi ro lớn. Một là cung nhà ở thương mại đáp ứng chủ yếu cho cầu đầu cơ làm cho dân khó lo được nhà cho mình. Theo tính toán của các chuyên gia, ở các nước phát triển, người lao động có thể mua nhà sau 8 năm làm việc; ở Thái Lan cũng chỉ mất 25 năm; còn ở ta phải mất hơn 100 năm. Hai là tiền của dân tích tụ chủ yếu vào nhà ở thì lấy đâu tiền để phát triển sản xuất kinh doanh, nền kinh tế không có sức phát triển. Ba là nhà ở thương mại phát triển quá mức tạo nên lợi nhuận ảo. Lý do chính gây ra lạm phát như ta đã gặp phải vào giai đoạn năm 2009-2010.

Trước mắt, phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhà ở cho nhóm người có thu nhập thấp, đảm bảo bền vững xã hội. Khi phát triển tốt, nhà ở xã hội sẽ chuyển dần sang nhà ở thương mại giá phải chăng, tạo nên những bước đột phá cho thị trường nhà ở Việt Nam. Thị trường sẽ không còn tình trạng giá nhà ở thương mại cao chót vót mà cuộc sống đời thực khó với tới được.

Nhà ở xã hội của Nguyễn Hữu Đường

Gần đây, tôi thấy anh Đường hay đăm chiêu với những ý tưởng mới của mình. Có lần tôi hỏi: "anh có ý tưởng mới gì cho tôi biết được không?". Anh trình bày thực sự tâm huyết về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội do anh tư duy.

Anh bắt đầu bằng 2 dự án lớn về nhà ở xã hội đề xuất thực hiện tại 2 lô đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty tại 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng và 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Theo quy hoạch đã được duyệt tỷ lệ 1/2000, 2 lô đất này được sử dụng để phát triển nhà ở. Theo quy định của Luật Nhà ở, chúng tôi được quyền đóng góp quyền sử dụng 2 lô đất này để phát triển nhà ở xã hội. Chúng tôi đã hoàn thành mọi giấy tờ liên quan đến dự án đầu tư, đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết của Hà Nội. Lâu rồi mà không nhận được câu trả lời nào của Hà Nội.

Phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn lớn nhất là quỹ đất ở đâu. Trong trường hợp này, chúng tôi đóng góp đất thuộc quyền sở hữu của mình sao cũng khó khăn đến thế.

Tôi đã xem lại kỹ lưỡng từng hồ sơ một. Theo tôi, không có gì vướng mắc về pháp luật và quy hoạch. Chủ dự án sẽ lo tiền đầu tư. Không có gì gây khó cho Nhà nước. Phải chăng vướng mắc ở tư duy "nhà ở xã hội là việc của dân nghèo, có gì mà phải vội!".

Tôi là người theo dõi vấn đề nhà ở xã hội kể từ khi mới khởi sự. Tôi cũng được Ngân hàng thế giới chỉ định làm thành viên của Đoàn nghiên cứu trợ giúp Việt Nam về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2011 tới năm 2014. Vì vậy, tôi cũng biết nhiều câu chuyện về vấn đề này ở các nước khác.

Các nước họ dùng giải pháp thay đổi công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng để hạ giá thành nhà ở. Nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam lại dùng "thuật" giảm chất lượng để hạ giá thành. Ta khác các nước nhiều lắm!

Tôi trao đổi kỹ với anh Đường về vấn đề này, anh cho biết công trình nhà ở xã hội của anh không dùng gạch mà tường đổ bằng nhiều tấm bê tông mỏng ngăn sao cho cách âm và tạo kết cấu chắc hơn. Anh vẫn dùng thuật ngữ nhà chung cư có tuổi thọ vô cùng. Tôi nghĩ, nhà cứ chắc chắn sao cho trăm năm mới phải nghĩ tới chuyện sửa chữa là tuyệt vời rồi.

VÌ SAO NHÀ Ở XÃ HỘI LẠI KHÓ?  - Ảnh 3.

Công trình nhà ở xã hội không dùng gạch mà tường đổ bằng nhiều tấm bê tông mỏng ngăn sao cho cách âm và tạo kết cấu chắc hơn. Ảnh: CTHB.

Tôi luôn hy vọng những vấn đề anh đặt ra về nhà ở xã hội cần tới sự đồng cảm của các nhà quản lý sao cho những thủ tục đừng phức tạp hơn quy định. Mỗi người dù ở cương vị nào cũng thực hiện đúng luật pháp là cách tốt nhất xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tôi vừa gặp anh hôm qua, tấm áo bộ đội bạc màu vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng thấu đáo, hiệu quả, lo cho đời sống của dân, quyền lợi của cựu chiến binh, thương binh và nơi an nghỉ của những đồng đội đã nằm xuống không bị cô quạnh.