Vì sao ngày càng nhiều người tránh theo dõi các tin thời sự quan trọng?

08:16 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày càng nhiều người tránh theo dõi các tin thời sự quan trọng như, đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine, khủng hoảng chi phí sinh hoạt...

Vì sao ngày càng nhiều người tránh theo dõi các tin thời sự quan trọng? - Ảnh 1.

Tin tức về xung đột Ukraine tràn ngập các trang báo quốc tế ngay sau khi chiến sự nổ ra. Ảnh: Guardian/TTXVN

Trong báo cáo thường niên về tin tức công bố ngày 14/6, Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết ngày càng nhiều người tránh theo dõi các tin thời sự quan trọng như, đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine, khủng hoảng chi phí sinh hoạt...

Tránh rơi vào tâm trạng tiêu cực. Theo báo cáo, phần lớn người được khảo sát cho biết họ thường theo dõi tin tức, song 38% thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tránh những tin quan trọng, tăng so với 29% năm 2017. Khoảng 36%, đặc biệt là những người dưới 35 tuổi, cho biết việc theo dõi tin thời sự khiến tâm trạng của họ xuống dốc.

Độ tin cậy đối với tin thời sự cũng giảm. Mức thấp nhất được ghi nhận ở Mỹ. Tính trung bình, 42% số người được khảo sát cho biết họ tin hầu hết các tin thời sự. Tỉ lệ này giảm gần một nửa trong số những nước được khảo sát trong báo cáo và chỉ tăng ở 7 nước.

Báo cáo dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu báo chí của Reuters, ông Rasmus Kleis Nielsen cho biết: "Đa số mọi người tin rằng truyền thông bị chính trị ảnh hưởng quá mức và chỉ một thiểu số nhỏ tin rằng hầu hết các tổ chức tin tức đặt những gì tốt nhất cho xã hội lên trên lợi ích thương mại của họ".

Độc giả trẻ ngày càng tiếp cận tin tức thông qua các nền tảng như TikTok nhiều hơn so với tiếp cận truyền thống qua báo giấy và truyền hình. Cụ thể, mỗi tuần, 78% số người được hỏi từ 18-24 tuổi tiếp cận tin tức thông qua công cụ tìm kiếm và truyền thông xã hội. 40% trong nhóm tuổi này sử dụng ứng dụng TikTok mỗi tuần, trong đó 15% cho biết sử dụng ứng dụng này để tìm kiếm, thảo luận hoặc chia sẻ tin tức.

Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters được thực hiện trực tuyến đối với 93.432 người ở 46 thị trường. Các quốc gia châu Á tham gia khảo sát gồm: Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines và Singapore. Độc giả Việt Nam không tham gia cuộc khảo sát này./.

Nguồn: T.A (TTXVN, Tuổi trẻ)