Vì sao không bắt buộc, nhưng phụ huynh vẫn phải mua cả bộ sách giáo khoa?

Phan Huyền
08:39 - 10/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tâm lí của các gia đình đều muốn sắm sửa đầy đủ cho con bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập trước thềm năm học mới. Đây là khoản chi không nhỏ đối với mỗi gia đình. Phụ huynh cần có thông tin để không phải mua rất nhiều sách tham khảo không cần thiết.

Bộ sách giáo khoa tiểu học gần 30 cuốn

Một phụ huynh có con học lớp 1 và lớp 3 tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa phải bỏ ra hơn 1,5 triệu đồng mua 2 bộ sách giáo khoa và hộp đồ dùng học tập cho con. Tính ra, mỗi bộ sách giáo khoa và hộp đồ dùng học tập có giá lên tới 750 ngàn đồng.

Phụ huynh này cho biết: "Học sinh lớp 3 mà mỗi bộ sách lên tới gần 30 cuốn nên giá thành bộ sách mới cao đến như vậy. Tôi cũng không hiểu, nhiều sách như thế thì thầy trò có thời gian để dạy và học hết không?".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị không bán kèm các loại sách khác ngoài sách giáo khoa

Vì sao không bắt buộc, nhưng phụ huynh vẫn phải mua cả bộ sách giáo khoa? - Ảnh 2.

Thông tin về sách giáo khoa vào năm học mới rất cần thiết để các bậc phụ huynh tham khảo, mua sách theo đúng danh mục cần học của con. Ảnh: Free/image

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lớp 1, gồm 8 môn học, lớp 3 gồm 9 môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt (tập 1, 2), Toán (tập 1, 2), Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động giáo dục thể chất (lớp 3 có Tin học và Công nghệ).

Một bộ sách giáo khoa cũng khoảng từ 10 đến 13 cuốn. Thực tế, bộ sách mà phụ huynh mua lên đến trên 20 cuốn (học sinh lớp 1) và gần 30 cuốn cho học sinh lớp 3. Cứ mỗi môn học lại kèm thêm một cuốn vở bài tập: Vở Bài tập Tiếng Việt, Toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức …

Trong đó, môn Tiếng Anh cũng chiếm khá nhiều sách giáo khoa và vở bài tập, ngoài ra, còn một số cuốn sách thuộc tài liệu địa phương.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã không ít lần khẳng định, trên các phương tiện truyền thông, không cho phép các nhà trường tổ chức bán hay ép buộc, gợi ý học sinh, phụ huynh học sinh mua sách tham khảo. Nếu có tình trạng này thì chỉ do cá nhân cán bộ, giáo viên cố ý làm sai.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc:

"Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào" được quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư này.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào;

Không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. 

Nhà trường không ép mua, chỉ là thông báo trên hội nhóm ai muốn mua thì đăng ký

Khi được hỏi "Sao không mua sách giáo khoa mà mua nhiều vở bài tập như vậy? Nhà trường có ép phụ huynh phải mua không?". Phụ huynh này trả lời ngay: "Nhà trường không ép phụ huynh phải mua nguyên bộ sách giáo khoa với đầy đủ những cuốn vở bài tập và tài liệu tham khảo.

Giáo viên chủ nhiệm chỉ đưa danh sách những cuốn sách trong bộ sách lớp 3 và thông báo: Phụ huynh cần mua sách thì đăng ký với giáo viên chủ nhiệm.

Tuy nhiên, đọc thông báo, xem danh mục sách thì gần như phụ huynh nào cũng "tự nguyện" mua nguyên cả bộ sách vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo cho phụ huynh trên nhóm lớp. Nếu không đăng ký mua, sẽ khá ái ngại với thầy cô, sợ con bị nhà trường để ý sẽ rất khó khăn trong học tập.

Thứ hai, nhiều phụ huynh vẫn đang khá mơ hồ và không phân biệt được đâu là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ. Sách nào là sách chính bắt buộc phải có và những sách nào không thật sự cần thiết.  

Thứ ba, phụ huynh không biết nhà trường sẽ dạy những cuốn sách nào? Thế nên ai cũng có băn khoăn, lo lắng nếu mình không mua đủ bộ sách, sợ con thiếu sách học ở trường sẽ rất thiệt thòi, thà cứ mua thừa còn hơn mua thiếu.

Phụ huynh vừa mua sách cũng cho biết, thường thì con học xong mỗi ngày đều để sách vở tại trường nên phụ huynh không thể biết được sách nào sẽ học, sách nào không? Vì thế, năm học nào cũng phải mua đủ bộ sách cho con.

Rõ ràng, nhiều phụ huynh đều khẳng định nhà trường không ép buộc phụ huynh phải mua đủ cả sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc thông báo đăng ký sách và gửi cả một bảng danh mục sách dễ gây hiểu lầm rằng đây là những cuốn sách phải dùng trong năm học.

Vì thế, phụ huynh mua cả 30 đầu sách chỉ vì thiếu thông tin về các loại sách và không biết chính xác trường học ấy sẽ sử dụng những cuốn sách nào. Nếu có sử dụng một số cuốn vở bài tập mà con mình không có sẽ rất thiệt thòi cho các con.

Giải pháp để phụ huynh không phải mua sách kiểu tù mù được không?

Để phụ huynh không phải mua nguyên cả bộ sách giáo khoa với nhiều cuốn tham khảo - nâng cao như hiện nay, phụ huynh cần hiểu rõ về các loại sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ… để có ý kiến với nhà trường yêu cầu công bố những cuốn sách nào bắt buộc sử dụng học trong năm học mới.

Về phía nhà trường, cần thông báo ngay trong cuộc họp phụ huynh cuối năm và nhắn trên các nhóm zalo của lớp danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học tới.

Khi nhà trường không sử dụng những sách tham khảo, sách bổ trợ và vở bài tập cũng không nên bày bán trong trường dễ gây hiểu lầm cho phụ huynh, tạo áp lực chi quá nhiều tiền cho con vào năm học mới, mất tinh thần hứng khởi của thầy trò, và cả phụ huynh khi chuẩn bị năm học.

Khi phụ huynh đã hiểu rõ về sách và cách sử dụng sách ở trường học, chắc chắn sẽ không còn tình trạng phải mua nguyên bộ sách và trong số đó có nhiều cuốn không bao giờ dùng tới, gây lãng phí như hiện nay.