Vào lộ trình tăng học phí đại học: Thêm nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Phan Anh
11:15 - 06/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Học phí tăng liệu chất lượng đào tạo đại học có tăng? Sinh viên tốt nghiệp đại học có kiếm được việc làm hay không? Đây là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ khi các trường chính thức bước vào cuộc đua tăng học phí.


Vào lộ trình tăng học phí đại học: Thêm nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ- Ảnh 1.

Sinh viên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy định mức học phí cao nhất được thu là bao nhiêu?

Ngày 31/12/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí công lập. Lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng như nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.

Trần học phí với đại học công lập chưa tự chủ từ năm học 2023-2024 đến năm 2026-2027 (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng) như sau:

Khối ngành

2023/24

2024/25

2025/26

2026/27

Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên

1.250

1.410

1.590

1.790

Khối ngành II: Nghệ thuật

1.200

1.350

1.520

1.710

Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật

1.250

1.410

1.590

1.790

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên

1.350

1.520

1.710

1.930

Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y

1.450

1.640

1.850

2.090

Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác

1.850

2.090

2.360

2.660

Khối ngành VI.2: Y dược

2.450

2.760

3.110

3.500

Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường

1.200

1.500

1.690

1.910

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.

Nhiều câu hỏi xung quanh việc đại học tăng học phí

Thứ nhất, Nghị định 81/2021/NĐ-CP là căn cứ để nhiều đại học, trường đại học tăng học phí. Theo quy định, đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục đại học công lập được tự xác định mức thu học phí.

Thế nhưng, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (institutional accreditation) hiện nay được cho là còn nhiều bất cập vì một số nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, việc kiểm định chất lượng chủ yếu tập trung vào yếu tố đầu vào như: đội ngũ giảng viên, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện,... mà chưa quan tâm đến chuẩn đầu ra của chương trình mà sinh viên, học viên đạt được.

Việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo kiểu có đi thì có đến. Xem thông tin trên trang web của nhiều trường đại học từ tốp đầu đến tốp dưới thì hầu như trường nào cũng cũng đạt mức kiểm định. Như thế, sinh viên trả tiền mua dịch vụ giáo dục bằng niềm tin chứ không rõ chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo thế nào.

Thứ hai, học phí tăng liệu chất lượng có tăng là câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, khi các trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ, các khoản chi thường xuyên từ Nhà nước sẽ bị cắt nên trường phải bù một phần bằng việc tăng học phí.

Việc tự chủ giúp các trường tự cân đối nguồn tài chính và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để người học được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực cho tương lai. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng, đại học tăng học phí thì có đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất hay không.

Ví dụ, một người có học vị tiến sĩ Công nghệ thông tin, làm việc tại doanh nghiệp được trả lương từ 50-60 triệu đồng/tháng còn làm giảng viên hay quản lý khoa ở trường đại học chỉ 15-30 triệu đồng/tháng. Vậy lấy đâu ra giảng viên có học hàm, học vị để đào tạo chương trình chất lượng cao?

Liên quan đến việc tăng học phí ở bậc đại học, một cựu sinh viên trăn trở: "Nếu cứ vin vào cơ chế thị trường, tự chủ tài chính rồi các trường đại học đua nhau tăng học phí mà không có thuyết minh rõ ràng đem lại lợi ích gì cho người thụ hưởng dịch vụ (sinh viên) là chưa thoả đáng.

Đội ngũ giảng viên như cũ, cơ sở vật chất như cũ, cách dạy như cũ, môn học như cũ, lề thói như cũ, cán bộ phòng đào tạo đối xử (kém) với sinh viên như cũ, đến nổi bãi giữ xe cũng không có chỗ mà gửi thì tăng học phí nào có ích gì.

Nhiều trường vừa tăng học phí vừa tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng cơ sở vật chất vẫn đi thuê tạm bợ, nhồi nhét. 

Sinh viên mệt bở hơi tai chạy nơi học, sáng chỗ này, chiều chỗ khác, đi như con thoi. Thậm chí, chỗ học môn Thể dục, môn Quốc phòng,… thì cứ vạ vật công viên, lề đường".

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc đại học sao cho tương xứng với mức thu học phí, thiết nghĩ các cơ sở đào tạo cần cho sinh viên đánh giá khả năng giảng dạy của giảng viên và công khai kết quả.

Cùng với đó, các trường đại học cần cam kết với phụ huynh, với xã hội là 100% sinh viên trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm thì việc tăng học phí mới thuyết phục được người học và dư luận xã hội.

Bình luận của bạn

Bình luận