Vấn nạn cháy

Bác sĩ Văn Bình
06:20 - 16/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tháng 01.2023, cả nước có 156 vụ cháy, trong đó 7 vụ cháy rừng, 5 người tử vong, 7 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính 7,19 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày trên 5 vụ, đang phải điều tra 95 vụ... Chỉ trong 7 ngày Tết (từ 20 - 26.01.2023), cả nước ta xảy ra 41 vụ cháy (mỗi ngày gần 6 vụ)…

Sáng 12.2, người dân phát hiện lửa bùng lên ở chợ đầu mối Tam Bạc (chợ Đổ), phường Phan Bội Châu, Hải Phòng. Lửa bốc ngùn ngụt từ tầng 1 lên tầng 2 khuôn viên nhà chợ chính (kết cấu thép hai tầng), khói bốc cao hàng chục mét. Hàng trăm cảnh sát chữa cháy phun nước vòi rồng cao áp lấy ở hồ Tam Bạc từ bốn phía vào khu chợ, cùng hàng trăm tiểu thương nỗ lực cứu hàng hóa… Khoảng 10h, đám cháy cơ bản được khống chế, không lan sang các tòa nhà bên cạnh. Nhưng hầu hết hàng hóa đã thành than vì chợ có nhiều đồ dễ bắt cháy như vải, quần áo, vàng mã, đồ nhựa, giày dép… 

Một số tiểu thương cho biết, hàng hóa trong chợ rất lớn vì họ nhập mới đầu vụ, thiệt hại có thể đến hàng trăm tỷ đồng. Bà Nguyễn Lan Phương, 55 tuổi, trú ở 37 khu 7 tầng Vĩnh Niệm, có ba sạp bán quần áo, đồ lót, nói riêng bà ước thiệt hại khoảng 800 triệu… Chợ Tam Bạc có từ năm 1985, xây dựng lại năm 2002, tổng diện tích hơn 4.600m2, kết cấu bằng khung thép hai tầng, với 775 điểm kinh doanh, 159 quầy diện tích trên 3m2, 106 quầy dùng chứa đồ, hoàn toàn bị hủy hoại sau hỏa hoạn. Bà Lê Hồng Điệp, 61 tuổi, có gian hàng ở cổng chợ, đã hơn 30 năm bán hàng ở đây cho biết, thi thoảng trong chợ có đám cháy nhỏ nhưng dập được ngay, cháy lần này to quá... Bà Phương cũng nói chợ nhiều lần bị chập điện, tiểu thương đề nghị sửa nhưng không thấy động tĩnh gì…!

Vấn nạn cháy - Ảnh 1.

Hình ảnh sau vụ cháy ở chợ Tam Bạc.

Hậu quả cháy thường rất lớn

Ngoài chuyện chết người, hầu hết các vụ cháy đều gây thiệt hại lớn tài sản, có vụ đến vài trăm tỷ đồng và việc giải quyết hậu quả rất phức tạp, tốn kém lớn. Cháy được quy định trong luật hình nên sau cháy phải điều tra để xác định có phá hoại hay thiếu trách nhiệm; vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy; vi phạm quy định nghề nghiệp… gây hậu quả. Xảy cháy thường do bất cẩn khi dùng lửa (đun nấu, gần nơi chứa xăng, dầu, đốt lửa trong rừng); đường điện già cỗi, quá tải; thiết bị điện chập cháy, nổ; trữ xăng, dầu; đốt rừng làm rẫy; sét đánh và chủ ý đốt; bông, vải có thể tự cháy khi chất đống lớn, kém thông gió… 

Muốn xác định nguyên nhân cháy phải khám nghiệm hiện trường, tìm ra điểm phát cháy ban đầu - được xem như "hạt vàng" của quá trình điều tra. Dấu vết của điểm phát cháy đầu tiên là chìa khóa mở cửa nguyên nhân cháy các loại và định được có phạm tội hay không và là tội danh nào nói trên? Đây là việc rất khó khăn và trong nhiều vụ việc không thể xác định được, do dấu vết khởi phát cháy bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, liên tục trong nhiều giờ. Chẳng hạn, đường điện quá tải dẫn tới chập, vỏ nhựa của dây dẫn bị biến dạng do tăng nhiệt khi chập, nhưng trong đám cháy lớn thì dấu vết này có thể bị tiêu hủy: vỏ nhựa than hóa và dây dẫn chảy thành một đám hay đứt vụn, than hóa! 

Chỉ có số ít vụ việc cơ quan điều tra sớm xác định nguyên nhân từ lời khai như cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội năm 2016 (chết 13 người, cháy "quán" 10 tầng và 4 nhà bên cạnh, thiệt hại hàng chục tỉ đồng) do cắt sắt bằng hồ quang điện làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào xốp cách âm tường; hoặc cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 (chết 60 người, bị thương 70 người, thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng) do vảy hàn 1.7000C bắn vào xốp cách âm (bắt cháy ở 3000C); còn lại việc điều tra các vụ cháy hầu hết đều gặp khó khăn rất lớn đo đặc điểm muôn thuở của loại hiện trường này. 

Vụ cháy Trung tâm thương mại ở thành phố Hải Dương năm 2013 (thiệt hại khoảng 500 tỉ đồng), cán bộ hiện trường phải mất nhiều tháng cho việc khám nghiệm 18.100m2 (gồm 3 tầng nhà và 1 tum), khoanh từng vùng nhỏ để "lần bới" dấu vết trong biển tro tàn, đổ nát, xác định được vùng phát cháy đầu tiên là ki-ốt bán vải số 28, lô G, ở khu vực giữa tầng 1, nơi có dấu vết cháy do chập điện (khác dấu vết cháy do lửa đốt) của cầu dao điện, aptomat và tro than nguồn gốc từ hai bộ phận này. Dấu vết cháy do chập cầu dao điện và aptomat cho phép loại trừ cháy do nguồn nhiệt từ ngoài vào, do hàng hóa tự bốc cháy, do con người bất cẩn (xảy cháy 23h15 phút). Việc phát hiện các aptomat đều ở trạng thái nhảy cho phép khẳng định trước khi xảy cháy các aptomat đều ở trạng thái đóng và có sự cố chập điện (nên aptomat mới nhảy) gây cháy ở khu vực các kiôt bán vải rồi lan rộng. Khẳng định được chập hệ thống điện kinh doanh, không chập hệ thống điện bảo vệ.

Chết người trong các đám cháy hầu hết do ngạt khí cháy (Carbon monoxyt; Carbon dioxyt; Hydro chloride (HCl - khí không màu, độc hại, ăn mòn mạnh; tạo thành "khói" trắng (chính là acid Hydrochloric - vẫn là HCl) khi tiếp xúc với nước trong không khí - do khí Hydro chloride hòa tan trong nước, rất độc với phổi); các khí là hợp chất của lưu huỳnh: Hydrosulfua, Hydrosulfite - H2S - độc, ăn mòn, mùi trứng thối; Lưu huỳnh sulfua, Sulfurơ - SO2…, gây độc cho niêm mạc miệng và đường tiêu hóa; amoniac; axit hữu cơ cùng nhiều khí độc khác…) và nhiệt độ cao, tuy nhiên xác định nguyên nhân chết không quan trọng, mà hàng đầu là nhận dạng các nạn nhân. Với những tử thi còn nguyên vẹn, xác định danh tính không mấy khó khăn bằng các đặc điểm hình thái bên ngoài: nốt ruồi; vết chàm, bớt; sẹo; dị tật…, quần áo, tư trang, giấy tờ tùy thân hoặc nhận dạng bằng răng. 

Những tử thi bị thiêu hủy, biến dạng ở các mức độ khác nhau hay than hóa, phương pháp nhận dạng thông thường không còn ý nghĩa, phải nhận dạng bằng ADN. Vấn đề đặt ra là với mỗi nạn nhân chưa xác định được danh tính phải đối chiếu mẫu ADN với người cùng huyết thống (biết qua những người đến trình báo) hoặc người nghi cùng huyết thống - một công việc rất tốn kém (bởi chúng ta chưa có tàng thư ADN). Chẳng hạn, trong vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, có 11 nạn nhân bị cháy nặng, phải nhận dạng bằng ADN, trong đó một nạn nhân cháy quá nặng, không thể nhận dạng bằng ADN nhân tế bào lẫn AND ti thể, được xác định bằng phương pháp loại trừ: Cụ thể, 49 người được xác định danh tính bằng nhận dạng thông thường, 10 người được xác định bằng ADN, người còn lại chính là người chưa định được danh tính. Tuy nhiên, để chắc chắn, cả 60 người xấu số đều được lấy mẫu, bảo quản, đề phòng sau này xảy ra tranh chấp sẽ có mẫu cho giám định. 

Vụ cháy quán karaoke Trần Thái Tông có 9 nạn nhân phải xét nghiệm ADN. Vấn đề là: sẽ có nạn nhân không còn điều kiện xác định ADN - nỗi đau "không danh tính". Ví dụ, vụ tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York, Mỹ năm 2001, trong 2.753 người thiệt mạng đến hiện thời chỉ có 1.642 người được nhận dạng; nhiệt độ cao và hàng chục yếu tố bất lợi trong hiện trường cháy đã làm biến tính ADN, nên 1.111 nạn nhân còn lại chắc chắn "vô danh"!

Nước ta cháy quá nhiều!

Từ năm 2017 - 2021, cả nước có 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỉ USD) và 7.548 ha rừng. Năm 2022, cả nước xảy ra hơn 1.700 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 100 người. Số vụ cháy, nổ giảm 25,11% so với những năm trước đó nhưng số người chết tăng 22,09%, trong đó nhiều vụ cháy lớn, làm chết nhiều người như cháy quán karaoke An Phú ở thành phố Thuận An, Bình Dương với 32 tử vong. Cháy quán karaoke số 231, phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 3 sĩ quan, cảnh sát chữa cháy hy sinh… 

Mà sao lắm cháy chợ! Chỉ năm 2022 đã có gần chục chợ bị cháy, thiệt hại nhiều trăm tỷ đồng: Tháng 11, cháy chợ Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; tháng 9, cháy chợ Ngọc Lịch, Hưng Yên; tháng 8, cháy chợ Vĩnh Thạnh, Đồng Tháp; tháng 7, cháy chợ Ban Mê Thuột, Đăk Lăk; tháng 4, cháy chợ Hạ Long 1, Quảng Ninh; tháng 3, cháy chợ Cái Dầu, An Giang; tháng 1, cháy chợ Hà Lam, Quảng Nam. Những năm gần đây, mỗi năm "đều đặn" có năm, bảy vụ cháy chợ, không năm nào sót!?

Cháy là vấn nạn toàn cầu mà cả những quốc gia phát triển cũng không thể ngăn chặn để cháy hoàn toàn không xảy ra. Chẳng hạn, Mỹ sớm quan tâm đặc biệt đến phòng cháy, chữa cháy từ những năm 1.700 và hiện thuộc nhóm vài nước có lực lượng này mạnh nhất Thế giới. Đến năm 2018, Mỹ có 29.705 sở phòng, chữa cháy, trong đó 3.009 sở hoạt động chuyên nghiệp (khoảng 10%), 7.574 sở kết hợp hoạt động chuyên nghiệp với tình nguyện (26%), 19.122 sở hoạt động tình nguyện (64%), với 57.500 trạm chữa cháy ứng phó khẩn cấp. 17% các sở này có hoạt động y tế chuyên sâu, 45% thực hiện sơ cứu cơ bản ban đầu và 38% không kèm hỗ trợ y tế khẩn cấp. Nhân lực cụ thể là 1.115.000 người (370.000 cảnh sát chuyên nghiệp (33%) và 745.000 người tình nguyện (67%) được huấn luyện bài bản. Thế nhưng, những năm gần đây nước Mỹ vô cùng chật vật đối phó với nạn cháy rừng gia tăng do biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, hạn hán, nắng nóng kỷ lục, độ ẩm thấp… 

Từ những năm 2017 - 2018, đặc biệt là các bang miền Tây ở Mỹ cháy rừng hoành hành dữ dội… California là bang thảm họa: Năm 2017, cháy 2,13 triệu hecta rừng, 23 người chết; năm 2018, cháy 1,68 hecta rừng, 56 người chết trong đó có hai cảnh sát chữa cháy, 1.011 người mất tích, 2 thị trấn Paradise và Magalia bị san phẳng, 7.000 nhà và tòa nhà bị phá hủy; năm 2020, cháy 1,2 triệu hecta rừng, 33 người chết; năm 2021, lửa thiêu rụi 432,813 hecta rừng; năm 2022, cháy khoảng 1.720 hecta rừng. Năm 2020, lửa cháy rừng thiêu rụi 5 thị trấn ở bang Oregon, 10 người chết;10 bang miền Tây cháy 1,8 triệu hecta rừng, 35 người chết ở các bang Oregon, Washington… 

Trước đây ở miền Tây nước Mỹ, khi tắt nắng nhiệt độ giảm, độ ẩm tăng, nếu có cháy mức độ sẽ giảm, nhờ đó dập lửa dễ hơn. Nhưng gần đây, nhiệt độ ban đêm không giảm, xuất hiện những "cơn gió quỷ" (Diablo Winds) vô cùng khô, nóng và rất mạnh, giật lên tới 112,65km/h, làm cháy lan rộng rất nhanh, có đám cháy lan thêm gần 405km2 chỉ trong một đêm!

Nếu không tính cháy rừng thì nước Mỹ với dân số hơn 3,3 lần (331,9 triệu năm 2021) nước ta nhưng trong 10 năm (2009 - 2018) chỉ có trung bình mỗi năm 25 vụ cháy được gọi là lớn (năm ít nhất 17 vụ, năm nhiều nhất 36 vụ), mà ở Mỹ cháy nhà dân được coi là cháy lớn, đặc biệt không có cháy chợ… Năm 1990, cháy câu lạc bộ đêm Happy Land, quận Bronx¸ New York, Mỹ có đến 87 người chết, hầu hết đến 25 tuổi, chỉ có 6 người sống sót, nhưng gây cháy là một gã điên loạn. Juio González, 36 tuổi, gã si tình bị bạn gái Lydia Feliciano - nhân viên kiêm soát vé của câu lạc bộ đoạn tuyệt, nên đã mua 1 Đôla xăng, đổ trước cửa chính hộp đêm và bật diêm…!

Từ đầu Thế kỷ XXI đến nay, hỏa hoạn nơi đông người ở Mỹ ít xảy ra. Năm 2016, 40 người chết khi cháy nhà kho ở thành phố Oakland, California, nơi tổ chức tiệc đêm. Năm 2022, 19 người chết, hơn 50 người bị thương trong đó 13 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch; hay cháy tòa nhà ba tầng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania làm 13 người (có 7 trẻ em) chết; cháy kho hàng ở thành phố Redlands, California, năm 2020, thiệt hại ước hàng chục triệu USD; năm 2021, cháy 83 căn hộ chung cư cao cấp ở thành phố Boulder, bang Colorado, nhưng may mắn chỉ có 2 người bị thương nhẹ… 

Trông người lại nghĩ đến ta! Chỉ trong 7 ngày Tết (từ 20 - 26.01.2023), cả nước ta xảy ra 41 vụ cháy (mỗi ngày gần 6 vụ)…

Tổng kiểm tra phòng, chữa cháy của các quán karaoke, vũ trường nhiều địa phương thấy tỷ lệ phạm luật rất cao. Nhưng phần lớn các cơ sở phạm luật có đủ hồ sơ hợp luật phòng, chữa cháy. Truyền hình đưa tin nhan nhản các chung cư cao tầng mà phương tiện chữa cháy là đồ che mắt thế gian vì không sử dụng được hoặc không có nước; nhan nhản chung cư cao tầng không có lối thoát hiểm. Cơ sở kinh doanh, chung cư cao tầng… không huấn luyện nghiệp vụ, không tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chữa cháy cho nhân viên. Cháy quán karaoke An Phú là một điển hình cho những vi phạm này. Vì thế, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ quán Lê Anh Xuân (sinh năm 1980, trú thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nguyễn Duy Linh, sinh 1981, nguyên Trung tá và Nguyễn Văn Võ, sinh 1985, nguyên đại úy cảnh sát phòng, chữa cháy, công an Thuận An bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sẽ còn cháy nhiều với đầu óc và lối hành sử mông muội như kiểu này: Quán karaoke Trần Thái Tông đang sửa chữa, chưa có Biên bản nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, giấy chứng nhận an ninh trật tự, nhưng khách vẫn vào hát. Dù thợ hàn không chứng chỉ hành nghề đã cảnh báo cắt sắt sẽ cháy, nhưng cai thầu (được thuê sửa chữa) bảo "cháy tao chịu"!?

Bình luận của bạn

Bình luận