Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thành lập 2 thành phố mới, chất vấn 2 Bộ trưởng
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3,5 ngày, từ 14-19/3. Tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao, xem xét công tác nhân sự, thành lập thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và thành phố Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Nhiều nội dung quan trọng tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo dự kiến, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3,5 ngày, từ 14-19/3, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao
Theo dự kiến chương trình, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Cụ thể:
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính gồm:
- Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
- Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính;
- Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng;
- Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
- Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Quốc phòng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm:
- Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài;
- Tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam;
- Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư;
- Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo;
- Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch;
- Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài);
- Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google