Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đến hết năm 2022
Sáng 6/7, tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 100% thành viên Ủy ban tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về mức sàn đến hết năm 2022. Ảnh: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau:
Loại xăng/dầu | Mức thuế trước khi giảm | Mức thuế sau khi giảm |
---|---|---|
Xăng | 2.000 đồng/lít | 1.000 đồng/lít |
Nhiên liệu bay | 1.500 đồng/lít | 1.000 đồng/lít |
Dầu diesel | 1.000 đồng/lít | 500 đồng/lít |
Dầu mazut, dầu nhờn | 1.000 đồng/lít | 300 đồng/lít |
Mỡ nhờn | 1.000 đồng/kg | 300 đồng/kg |
Dầu hỏa | 300 đồng/lít | 300 đồng/lít |
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ. Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết.
Thời hạn áp dụng Nghị quyết là từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt.
Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỉ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất. Từ đó làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch COVID-19.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google