Tuổi già tới và những lo lắng bủa vây
Khi chúng ta già đi, những lo lắng trong quá khứ có thể bị gạt sang một bên khi những vấn đề mới xuất hiện. Nói cách khác, mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều có những niềm vui và nỗi trăn trở riêng.
Khi chúng ta già đi, những lo lắng trong quá khứ có thể bị gạt sang một bên khi những vấn đề mới xuất hiện. Chẳng hạn, bạn cảm thấy ổn định hơn trong các mối quan hệ của mình, nhưng bạn cũng không thể uống nhiều như trước đây trong các buổi liên hoan hay tổng kết cuối năm... Nói cách khác, mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều có những niềm vui và nỗi trăn trở riêng.
Đối mặt với sự thay đổi, xác định rõ những gì bạn muốn
Theo HuffPost, rất nhiều thay đổi xảy ra khi bạn già đi và việc đau buồn về những gì đã qua là điều bình thường và dễ hiểu. Đặc biệt, nếu chẳng may bạn mất đi những người thân yêu đã gắn bó gần như cả cuộc đời với mình.
Tuy nhiên, đó không phải là kiểu đau buồn duy nhất mà bạn phải trải qua. Người lớn tuổi cũng có thể trải qua quá trình đau buồn khi phải từ giã sự nghiệp mà họ đã gắn bó hàng thập kỷ hay khi bắt đầu nhận thấy sự suy giảm về sức khỏe thể chất, tinh thần của bản thân hoặc vợ/chồng mình.
Những lúc này, bạn nên dành một không gian hợp lý để xử lý những vấn đề trong cuộc sống mà bản thân đang gặp phải. Bên cạnh đó, nên xác định rõ những gì bạn muốn trong thời gian còn lại của cuộc đời bên những người thân yêu của mình. Hãy chia sẻ những lo lắng, mong muốn của bản thân với nửa kia, con cái và những người bạn thân thiết của bạn.
Điều hướng mối quan hệ với con cái
Khi bạn già đi, các con của mình ngày càng trưởng thành và có thể bước vào tuổi trung niên. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong mối quan hệ của các bên.
Các khuôn mẫu về mối quan hệ này thường được hình thành từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Do đó, việc người lớn tuổi học cách trở thành cha mẹ của những người trung niên có thể là một điều khó khăn.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ này, tất cả đều phụ thuộc vào sự giao tiếp và làm việc cùng nhau.
Đôi bên nên cải thiện khả năng giao tiếp, tìm kiếm sự kết nối và thiết lập những ranh giới lành mạnh trong mối quan hệ. Cha mẹ quan tâm đến con cái nhưng không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của các con. Tôn trọng sự độc lập, không gian riêng của các con sẽ khiến cả hai cùng cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, nên tham gia vào các hoạt động mà mọi người trong gia đình cùng yêu thích để tăng cường sự giao tiếp và kết nối.
Chấp nhận những thay đổi của cơ thể khi tuổi già tới
Ở những người lớn tuổi, sự thay đổi của cơ thể như làn da chảy xệ hay nếp nhăn trên khuôn mặt có thể gây ra cảm giác bất ổn sâu sắc, mất kiểm soát và sợ hãi.
Trong khi đó, niềm tin xã hội lại không giúp ích được gì cho bạn. Kelsey Latimer, nhà tâm lý học lâm sàng cho biết: Thực tế là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà quá trình lão hóa không được coi trọng, đặt ra những kỳ vọng không thực tế đối với con người. Ai cũng muốn mình mãi trẻ đẹp, trong khi "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật của tạo hóa. Điều đó làm cho những cảm giác bất ổn này ngày càng gia tăng đối với quá trình già đi của mỗi người.
Bạn nên trực tiếp giải quyết cảm xúc lo lắng, sợ hãi của mình. Có thể gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ chuyên khoa hoặc bạn bè đang trải qua những thay đổi tương tự để cùng họ chia sẻ và nhận những lời khuyên hữu ích.
Nói chuyện, chia sẻ với những người thân thay cho sự im lặng và lo lắng chỉ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng.
Đối mặt với sự hối tiếc
Lão hóa thường đi kèm với sự suy ngẫm… Theo nghiên cứu của nhà phân tâm học Erik Erikson về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội, người lớn tuổi thường dành thời gian cố gắng đóng góp cho thế giới và nhìn lại cuộc đời mình. Họ có thực hiện được mục đích của mình và sống cuộc sống theo cách họ muốn không?
Người lớn tuổi có thể hồi tưởng lại những khoảng thời gian vui vẻ và hối tiếc về những mất mát, cơ hội trong đời, tùy thuộc vào tâm trạng và suy nghĩ của họ trong thời gian hiện tại.
Cách giải quyết vấn đề này là "xác nhận", "chấp nhận" và "thay đổi". Nhiều người lớn tuổi thường dành nhiều thời gian suy ngẫm về quá khứ của họ, đặc biệt là những điều hối tiếc. Mặc dù quá khứ không thể thay đổi nhưng việc học hỏi từ nó là điều quan trọng.
Bên cạnh việc tìm hiểu bạn là ai, nên tập trung vào các giá trị và mong muốn của bạn. Dù tuổi già đã tới nhưng bạn vẫn còn thời gian để phát triển những sở thích mới nếu thật sự mong muốn. Chẳng hạn như tham gia một lớp học nghệ thuật hoặc dành thời gian đọc sách, đi bộ…
Đối mặt với nhiều mất mát
Tương tự như đau buồn, quá trình lão hóa cũng đầy mất mát. Quá trình lão hóa là một sự mất mát vô hạn, không liên quan đến cái chết về thể xác, nhưng cảm giác mất mát về điều này mang tính chất lâu dài.
Đối với người lớn tuổi, sự mất mát như vậy có thể liên quan đến việc phải từ bỏ những thói quen quý giá, cảm thấy hoài niệm về một thời điểm quan trọng trong cuộc đời hoặc phải đối mặt với sự suy giảm sức mạnh thể chất và tinh thần.
Cảm giác mất đi danh tính của mình
Hãy để bản thân cảm nhận những cảm xúc đó và cố gắng tiến về phía trước theo những cách tích cực.
Bạn nên tập trung vào những việc có thể làm thay vì những việc không thể làm. Thực hành lòng biết ơn đối với những điều quan trọng vẫn tiếp tục hiện diện trong cuộc sống của mình cũng có thể giúp chống lại cảm giác mất mát.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google