Công dân khuyến học

Tuổi 50, điểm uốn "tăng tốc" của quá trình lão hóa

Tuổi 50, điểm uốn "tăng tốc" của quá trình lão hóa

Văn Mã

Văn Mã

06:30 - 27/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Một nghiên cứu chuyên sâu về quá trình lão hóa mới đây cho thấy con người thực sự trải qua một điểm uốn quan trọng vào khoảng tuổi 50, khi đó quá trình lão hóa dường như “tăng tốc” đáng kể.

Tuổi 50, điểm uốn "tăng tốc" của quá trình lão hóa - Ảnh 1.

Quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn ở độ tuổi khoảng 50. Ảnh minh họa: Internet.

Quá trình lão hóa là những "làn sóng" thay đổi

Trong nhiều năm, lão hóa thường được xem là một quá trình tuyến tính, diễn ra chậm rãi và đều đặn. Tuy nhiên, các phân tích chuyên sâu gần đây về sự thay đổi protein trong các cơ quan theo thời gian đã vẽ nên một bức tranh phức tạp hơn nhiều. 

Theo Nature, nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell ngày 25/7/2025 đã chỉ ra rằng lão hóa không diễn ra đều đặn mà nó "bị điểm xuyết bởi những giai đoạn thay đổi nhanh chóng".

Theo nhà khoa học Maja Olecka tại Viện Lão hóa Leibniz – Viện Fritz Lipmann (Đức), "có những làn sóng thay đổi liên quan đến tuổi tác." Bà cũng nhấn mạnh rằng việc xác định chính xác thời điểm của các điểm uốn này vẫn còn khó khăn và cần thêm các nghiên cứu lớn hơn trước khi có thể kết luận tuổi 50 là một "điểm khủng hoảng". Dù vậy, những bằng chứng mới này đang dần định hình lại cách chúng ta nhìn nhận về quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Tuổi 50: Bước ngoặt protein và sự "già đi" của mạch máu

Để tìm hiểu rõ hơn về tốc độ lão hóa ở các cơ quan khác nhau, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Guanghui Liu tại Viện Khoa học Trung Quốc (Bắc Kinh) đã thu thập mẫu mô từ 76 người gốc Trung Quốc, trong độ tuổi 14–68, qua đời do chấn thương não. Mẫu được lấy từ tám hệ thống chính của cơ thể như hệ tim mạch, miễn dịch và tiêu hóa.

Kết quả phân tích cho thấy 48 loại protein có liên quan đến bệnh tật gia tăng rõ rệt theo tuổi. Những thay đổi sớm đã được quan sát thấy vào khoảng tuổi 30 ở tuyến thượng thận – cơ quan sản xuất nhiều loại hormone. Theo nhà di truyền học Michael Snyder (Đại học Stanford), điều này phù hợp với nhận định rằng "kiểm soát hormone và chuyển hóa là một vấn đề lớn. Đó là nơi một số thay đổi sâu sắc nhất xảy ra khi con người già đi".

Tuy nhiên, giai đoạn có thay đổi rõ nét nhất lại xuất hiện trong độ tuổi khoảng 45–55. Đây được xem là "bước ngoặt" được đánh dấu bằng những thay đổi lớn về mức độ protein. Sự dịch chuyển rõ rệt nhất được ghi nhận ở động mạch chủ – nơi đưa máu giàu oxy từ tim đi khắp cơ thể. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một loại protein trong động mạch chủ có thể đẩy nhanh dấu hiệu lão hóa khi được đưa vào chuột. Ông Liu suy đoán rằng, mạch máu hoạt động như một "đường dẫn", mang các phân tử thúc đẩy lão hóa đến khắp các cơ quan.

Lão hóa diễn ra không đồng đều giữa các bộ phận

Nghiên cứu của Guanghui Liu là một bổ sung quan trọng cho các công trình phân tích các phân tử lưu thông trong máu để nhận diện dấu hiệu lão hóa, thay vì thay vì mẫu mô lấy từ các cơ quan riêng lẻ. Nhà di truyền học Michael Snyder so sánh: "Chúng ta giống như một chiếc ô tô – một số bộ phận hao mòn nhanh hơn." Việc biết được những bộ phận nào dễ bị hao mòn có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển các phương pháp can thiệp hướng tới một quá trình lão hóa "khỏe mạnh".

Snyder cùng đồng nghiệp trước đó cũng đã phát hiện các điểm uốn trong quá trình lão hóa xảy ra ở khoảng 44-60 tuổi. Các nghiên cứu khác cũng ghi nhận sự tăng tốc lão hóa ở nhiều thời điểm khác nhau, trong đó có cả giai đoạn khoảng 80 tuổi – mặc dù điều này nằm ngoài phạm vi nghiên cứu hiện tại. Maja Olecka cho rằng sự khác biệt về thời điểm có thể do lựa chọn mẫu, quần thể nghiên cứu và phương pháp phân tích khác nhau. Dù vậy, ông Liu tin rằng khi dữ liệu tích lũy theo thời gian, các con đường phân tử chính liên quan đến lão hóa có thể sẽ hội tụ giữa các nghiên cứu.

Mặc dù phát hiện về giai đoạn lão hóa tăng tốc ở tuổi 50 là rất đáng chú ý, song theo nhà nghiên cứu Maja Olecka, "chúng ta vẫn chưa hiểu điều gì kích hoạt điểm chuyển giao này." Bà tin rằng lĩnh vực nghiên cứu lão hóa sẽ phát triển nhanh chóng nhờ việc tích hợp chuỗi thời gian chi tiết vào các nghiên cứu, thay vì chỉ đơn giản so sánh nhóm 'trẻ' với nhóm 'già'. Những dữ liệu tích lũy sẽ giúp giải mã các giai đoạn thay đổi nhanh chóng, từ đó biến nghiên cứu lão hóa thành một "lĩnh vực khoa học thực sự hấp dẫn".

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon