Từ ngày 25/8, tiểu tiện không đúng nơi quy định bị phạt tiền đến 250.000 đồng
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Điều 25 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Xử phạt đối với hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường
Theo điều 25 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, mức phạt tiền sẽ là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông thì sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Tại điều 25 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng nêu rõ: Mức phạt sẽ từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định;
Không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý theo quy định;
Không bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; không có cán bộ, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát theo quy định.
Đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường sau đây sẽ phải chịu phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng:
Không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; không có công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
Không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt;
Không có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư tập trung;
Không đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định.
Ngoài ra, tại điều 26. Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường
Tại Điều 25 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tùy theo loại vi phạm sẽ phải thực hiện một trong các biện pháp sau:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.
Buộc phải xây dựng, lắp đặt công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 là gì?
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:
Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường;
Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;
Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;
Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề;
Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;
Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;
Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn;
Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;
Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II của Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Đồng thời, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google