Tự chủ bệnh viện: Vướng mắc lớn nhất là cơ chế

PV
06:00 - 15/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều ngày 14/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”. Các chuyên gia đã phân tích, kiến giải về thực trạng tự chủ bệnh viện thời gian qua.

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện 2 năm.

Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm, đề nghị tiếp tục tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Nguyên nhân được các bệnh viện chỉ ra trong quá trình triển khai thí điểm là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.

Tự chủ bệnh viện: Vướng mắc lớn nhất là cơ chế - Ảnh 1.

Tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”. Ảnh: VGP

Các cơ sở y tế cần cơ chế hơn cần tiền

Chia sẻ tại Tọa đàm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của Bệnh viện bạch Mai ở thời điểm hiện tại là chênh lệch thu chi rất thấp.

Mặc dù tự chủ toàn diện nhưng giá các dịch vụ hầu hết đều đúng bằng giá của bảo hiểm y tế. Bệnh viện tự chủ nhưng chưa bao giờ được tự chủ về giá mà phải thực hiện theo văn bản pháp quy.

Bệnh viện xác định là bệnh viện tuyến cuối, trên 90% bệnh nhân là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này đa phần là người nghèo, người có công nên bệnh viện xác định không thu thêm bất cứ khoản phí nào. Do đó, dù rất đông bệnh nhân đến khám nhưng nguồn tài chính duy trì hoạt động đầu tư lại rất thấp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề khó nhất để tự chủ bệnh viện toàn diện là cơ chế. Bệnh viện Bạch Mai cần cơ chế công khai, minh bạch để thực hiện tốt nhất 3 nhiệm vụ chính trị quan trọng: tiếp nhận bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên; đào tạo nhân lực cho các tuyến; nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới trên thế giới.

"Không phải bệnh viện ngại làm mà là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng, nếu làm rất dễ khiến bệnh viện dính vào sai phạm. Rõ ràng trong thời gian vừa qua chúng ta rà soát lại các văn bản pháp quy và thấy hiện chưa ổn, ngay cả các thông tư", ông nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng, khi bệnh viện tự chủ toàn diện thì bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn cho dịch vụ khám chữa bệnh. Đây là một trong những thách thức của bệnh viện khi hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn diện.

Giám đốc Bệnh viện K cho rằng cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế hoạt động cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế, ngoài ra lãnh đạo bệnh viện "nhiều tiền và nhiều quyền hơn". 

Tuy nhiên, các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân phải chi trả phí điều trị cao hơn, bệnh viện chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân.

Ông đề nghị "nhà nước đầu tư 3-5 năm nữa, sau đó bệnh viện chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này".

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí nhận định, các bệnh viện công lập hiện vẫn nên tự chủ ở mức 2, mức 3 thay vì tự chủ toàn diện vì những lý do sau:

Thứ nhất, một loạt các văn bản pháp quy để phục vụ tự chủ toàn diện vẫn chưa có.

Thứ hai, tự chủ quá mức vô tình tư nhân hóa các bệnh viện công. "Tôi không ủng hộ việc tự chủ đến mức cao nhất. Vì còn liên quan đến các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội", ông Trí nhấn mạnh.

Từ thực tế của Viện Huyết học trước đây, ông Nguyễn Anh Trí nhận định, các cơ sở y tế cần cơ chế hơn cần tiền.

Cần cơ chế công khai, minh bạch để thực hiện tự chủ toàn diện

Phân tích nguyên nhân thí điểm tự chủ hoàn toàn thất bại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đưa ra 3 vấn đề: 

Thứ nhất, thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu để tự chủ toàn diện. 

Thứ hai, tổ chức thực hiện có vấn đề. 

Thứ ba, cơ chế giá. 

"Qua kinh nghiệm giám sát về y tế, tôi khẳng định chưa có một cơ sở y tế nào kể cả tuyến trên và dưới, đủ điều kiện để tự chủ toàn diện", ông Lợi khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng dù hoạt động tự chủ theo nhóm nào thì bệnh viện phải đủ điều kiện. Chỉ một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện,... có thể tự chủ một phần, còn y tế cơ sở tuyến dưới vẫn cần được nhà nước bao cấp.

Nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang đề nghị phải để bệnh viện tự quyết định xem bệnh viện của mình tự chủ theo nhóm nào vì họ tự chịu trách nhiệm trước người bệnh. Tuy nhiên, dù bệnh viện tự chủ ở mức nào thì “vẫn đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi người bệnh”. 

Do đó ông cho rằng giải pháp là phải hoàn thiện thể chế, như xây dựng thông tư về giá và tính đúng tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá thì tất cả bệnh viện mới tự chủ được tài chính; phải có văn bản hướng dẫn liên doanh liên kết, đặt máy; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc; điều chỉnh tiền lương cho nhân viên y tế; hướng dãn cụ thể Nghị định 60;...

"Cơ chế pháp lý cần làm rõ. Làm sao để thể chế không phải là bãi mìn mà là con đường thênh thang, cho giám đốc bệnh viện thỏa sức sáng tạo, phát triển", nguyên Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế nhấn mạnh.