Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa

Trịnh Thông Thiện
08:05 - 23/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hẳn rằng ít người biết, ở lưng chừng dãy núi Pha Chiến (Bá Thước, Thanh Hóa) có bản Nủa, suối Nủa và lại có hang Mó Nủa còn lưu truyền tập tục tắm tiên đặc sắc, gắn với truyền thuyết về một tình yêu đẹp của đồng bào người Thái.

Hai truyền thuyết về tình yêu nhân thần

Người Thái ở bản Nủa xã Lũng Cao vẫn rất tự hào kể với khách du lịch rằng, quê mình có hai báu vật văn hóa đặc sắc, đó là hang Mó Nủa và tập tục tắm suối. Tuy nhiên, tập tục tắm suối không như ở các vùng người Thái cư trú khác. Ở đây được lưu truyền bởi hai truyền thuyết đẹp mà dân bản đã truyền miệng nghìn đời nay.

Cụ Hà Văn Án (86 tuổi) người ở bản Nủa cho biết: "Lúc còn nhỏ, tôi được các cụ kể chuyện con suối Nủa này có nàng Xuyên trấn yểm. Chuyện rằng nàng Xuyên yêu anh chàng Nủa, vì gia đình ngăn cản nên họ không lấy được nhau. Do tức giận, nàng chạy lên ngọn núi Pha Chiến đập đầu vào vách đá mà chết. Tại chỗ cô gái chết lại hóa thành một dòng nước thần. Nước cứ chảy ra tung bọt trắng xóa. Lạ kỳ, khi gái bản được tắm dòng suối này thì ai cũng có làn da trắng muốt như mầm măng bóc".

Còn anh Hà Văn Minh, chủ một homestay nhà sàn ở bản Nủa lại kể một câu chuyện về huyền thoại tắm tiên đầy chất liêu trai. Các cụ kể với anh Minh rằng, xưa, từ thủa người Thái đến vùng đất này lập bản thì có con xà tinh to như cột nhà sống ở cái hang gần bản. Nhưng kỳ lạ thay, con xà tinh này chẳng làm hại ai bao giờ. Rồi bỗng một ngày có một chàng trai khôi ngô tuấn tú đến bản tìm hiểu và ở rể nhà cô gái tên Nủa – cô gái xinh nhất vùng.

Chàng trai ở rể chăm chỉ lao động, làm ra nhiều của của cho nhà bố mẹ vợ. Nhưng kỳ lạ, cứ những lúc mưa gió, sấm chớp bão bùng thì nhà nàng Nủa không thấy chàng rể đâu cả. Một đêm, bố nàng Nủa đi rừng gặp mưa trở về nhà vào ban đêm thì thấy con xà tinh trườn từ nhà mình ra. Hoảng hồn, bố nàng Nủa gọi cả nhà dậy thì không thấy chàng rể. 

Bố mẹ nàng Nủa hoang mang mời thầy mo đến trừ tà, thầy mo phán rằng, chàng rể chính là xà tinh hóa thành người, muốn gia đình yên ổn thì lấy nhiều ớt bột đổ vào người chàng rể ấy, tức khắc hiện hình và sợ không dám về nữa.

Bố mẹ nàng Nủa làm theo lời thầy mo, khi đổ ớt bột vào người chàng rể thì xà tinh hiện nguyên hình. Xà tinh bị ớt bội dắt vào mắt nên không thấy đường, điên cuồng bò ngoằn ngèo tìm đường về hang. Từ đó, chàng rể không xuất hiện nữa.

Nhưng kỳ lạ thay, từ khi đó, dân bản lại lâm vào cảnh hạn hán, cây cối, vật nuôi, lúa chết trắng đồng. Dân bản tính chuyện bỏ đất đi lập bản nơi khác thì có một ông cụ đi từ đỉnh núi Pù Luông xuống bảo rằng, dân bản đã xúc phạm thần núi Pha Chiến, vốn là xà tinh. Muốn thần núi Pha Chiến tha thứ thì dân bản phải chọn một con trâu mộng, vào đêm mưa đem đến cửa hang tế lễ.

Làm theo lời ông cụ, sau khi tế trâu mộng, nàng Nủa như bị mộng du, một mình đi vào hang và không thấy ra nữa. Từ đó, cửa hang phun ra một dòng nước chảy theo vết xà tinh ngoằn nghèo lúc bị rắc ớt bột hình thành nên dòng suối nước ăm ắp bốn mùa. Dân bản cho là linh thiêng, mới đặt tên con suối là Suối Nủa, hang là Mó Nủa (Mó tiếng Thái có nghĩa là nguồn nước) và tên bản cùng gọi là Nủa để nhớ ơn và tôn vinh mối tình nhân thần nàng Nủa – Xà tinh (thần núi Pha Chiến).

Và để ngưỡng vọng mối tình đó, các cô gái ở bản Nủa cứ chiều chiều ra suối Nủa tắm, hát dân ca kể về chuyện tình yêu. Lâu dần, tập tục tắm tiên ở Suối Nủa vang danh vùng Pù Luông và tồn tại đến ngày nay.

Con suối tắm tiên

Cũng từ hai truyền thuyết trên mà từ lâu hang Mó Nủa tuy ngay ở bên cạnh bản Nủa nhưng không ai dám vào. Hang Mó Nủa huyền bí đến nỗi, vào những đêm mưa gió, dân bản tưởng như còn nghe văng vẳng tiếng hát dân ca phát ra từ đó. Người già trong bản bảo, Nàng Nủa hát đấy!

Mặc dù Pù Luông đã phát triển du lịch hơn chục năm nay, bản Nủa cũng nổi tiếng với các điểm du lịch cộng đồng khác như: Bản Kho Mường, Bản Son - Bá - Mười, Bản Đôn… nhưng mãi đến năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Phòng Văn hóa huyện Ba Thước kết hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông mới tiến hành khám phá hang Mó Nủa. Kết quả khảo sát cho thấy, hang sâu không thể tìm được điểm cuối, có hệ thống nhũ đá đủ sắc màu, hình khối tự nhiên. 

Dưới lòng hang là suối, mực nước chỗ sâu nhất chừng gần một mét, chuyển động trong hệ thống mạch ngầm, chảy ra ngoài suối Nủa. Nơi lòng hang rộng nhất, có chiều cao và chiều rộng hàng chục mét... Từ đó, huyện Bá Thước cũng đã ghi danh hang Nó Nủa là địa điểm du lịch khám phá cùng với Hang Dơi (Hang Kho Mường) ở xã Thành Sơn.

Và đặc biệt, hang Mó Nủa chính là đầu nguồn của con suối Nủa – con suối chưa bao giờ cạn nước nghìn đời nay. Cụ Hà Văn Án bảo, dòng suối ấy chỉ có các cô gái Thái trong bản Nủa mới được tắm. Gái ở dưới miền xuôi lên đầu nguồn con suối này, chỉ cần đằm mình xuống dòng nước là sẽ bị rụng tóc. Ngoài bị ốm, trọc đầu, người lạ còn bị một loài rắn lạ có mầu trắng quấn chặt vào chân.

Tuy nhiên, theo anh Hà Văn Minh, những câu chuyện trên là do dân bản tự nghĩ ra để tạo nỗi kinh sợ cho người ngoài, để bảo vệ vùng tắm tiên của những cô gái của bản. Minh chứng cho điều mình nói, anh Nam dẫn chúng tôi đến gần thượng nguồn suối Nủa vào chiều hè muộn. Đi qua một loạt guồng nước thì đã nghe tiếng huyên náo, cười đùa của những cô gái bản Nủa xuống tắm sau khi lao động trên nương, trên rừng.

Tuy tắm tiên nhưng các cô gái Thái ở đây ý nhị vô cùng. Anh Hà Văn Minh cho biết, các cô ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cho cách thắt khăn nơi thắt lưng, để có được thân hình thắt đáy lưng ong. Khi tắm tiên, các cô gái quay mặt vào bờ, ý tứ cởi từng chiếc cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực, lội xuống nước tới đâu váy được nâng dần lên đến đó cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình.

Nhìn từ xa, con suối Nủa như mờ ảo trước mắt, chỉ có tiếng cười, tiếng vẫn nước, tiếng trò chuyện làm cảnh hoang sơ núi rừng thêm quyến rũ trong bóng chiều tà. Từng tia nắng cuối lọt qua dãy núi Pha Chiến làm bóng ánh nước khiến dòng suối già nua, trầm mặc cũng trở nên lung linh, huyền ảo.

Bản Nủa với truyền thuyết tắm tiên đã được huyện Bá Thước quy hoạch là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá dãy núi Pha Chiến với điểm nhấn là bản Son - Bá - Mười, có độ cao khoảng 1.180m – được ví như Sa Pa của xứ Thanh với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 1.

Cửa hang Mó Nủa.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 2.

Nơi lòng hang Mó Nủa rộng nhất có chiều cao và chiều rộng hàng chục mét. Trên trần hang có nhiều dòng nước đổ xuống, tạo thành con suối nhỏ trong hang.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 3.

Cửa hang Mó Nủa có hệ thực vật rất đa dạng.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 4.

Từ khoảng 17h, các cô gái bản Nủa sau khi đi làm nương, đi rừng lại tụ về con suối Nủa để tắm mát.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 5.

Người vùng Pù Luông vẫn truyền tụng rằng, nhờ tắm suối mà những cô gái bản Nủa có mái tóc dài đen óng, có làn da trắng hồng nhất vùng.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 6.

Những thiếu nữ bản Nủa làm duyên bên suối.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 7.

Tập tục tắm suối Nủa được người Thái trong vùng duy trì hang nghìn đời nay.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 8.

Những người phụ nữ Thái nô đùa bên dòng suối Nủa.

Truyền thuyết tắm tiên suối Nủa - Ảnh 9.

Dòng suối Nủa nước ăm ắp quanh năm, tưới tiêu cho những cánh đồng người Thái ở Pù Luông bao đời nay.


Bình luận của bạn

Bình luận