Truyền thông nước ngoài đánh giá tích cực về môi trường đầu tư và sản xuất tại Việt Nam

05:07 - 14/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trang mạng delano.lu (Luxembourg) mới đây đăng bài nhận định nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhờ chính sách mở và mang lại lợi nhuận hấp dẫn với mức giá đầu vào thấp hơn các thị trường châu Á khác.

Truyền thông nước ngoài đánh giá tích cực về môi trường đầu tư và sản xuất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Xuất khẩu Việt Nam đang tăng trưởng, đặc biệt là nông sản. Ảnh: Bộ Công Thương.

Theo trang mạng này, Việt Nam hiện tăng trưởng ở mức 6,5% nhờ 4 yếu tố: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu thúc đẩy nhu cầu và sức hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tài sản đầu tiên của Việt Nam là dân số. Việt Nam có dân số trẻ và có trình độ. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng và đây là một tài sản lớn trong nền kinh tế có 72% hoạt động được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng, đặc biệt là nông sản. Từ năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu liên quan đến công nghệ đã tăng gấp 5 lần và hiện đã vượt quá 30%. Theo trang mạng này, Việt Nam đang trở thành cường quốc xuất khẩu với thị phần toàn cầu tăng đều đặn, hiện nay đạt 1,6%.

Hãng tin Sputnik: Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng thế giới”

Trong khi đó, hãng tin Sputnik cũng đưa bài đánh giá về khả năng Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng thế giới”. Bài trích dẫn danh sách đối tác cung ứng trong tài khóa 2021 của Apple được công bố vào tháng 9 cho thấy hiện tập đoàn này có 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam, chiếm 13,9% trong tổng số 190 nhà cung ứng tính đến quý IV/2021, tăng so với năm 2020. Sputnik dẫn lời ông Nguyễn Thanh Yên, thành viên quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhận định việc Apple chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, đồng thời tăng số lượng đối tác cung ứng là điều dễ hiểu: "Bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam từ lâu cũng là địa chỉ được các công ty sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử chú ý tới, có thể kể đến như nhà máy sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Nokia trước kia hay Samsung hiện nay". 

Theo Sputnik, trên thực tế, nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu của các “ông lớn” như Samsung, Xiaomi và Apple được sản xuất tại Việt Nam. Một yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà sản xuất đó trong gần 20 năm qua, lực lượng lao động kỹ thuật tại Việt Nam đang từng bước tự nâng cấp, ngày càng có nhiều kỹ sư người Việt được tham gia và được đảm nhận những công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, ví dụ như lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Báo Đức: Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới

Báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức vừa có bài viết về tiềm năng để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu thế giới với nhiều trường đại học chất lượng và nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025.

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết theo Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 sẽ đạt 20% GDP và tới năm 2030 tăng lên 30% GDP. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam đến nay đã thành công trong lĩnh vực phần cứng, khi phần lớn điện thoại di động Samsung, iPad và tai nghe Bluetooth của Apple đều được sản xuất tại đây. Bên cạnh việc sản xuất hàng loạt sản phẩm điện tử, Việt Nam cũng đang ngày càng xuất khẩu nhiều mã nguồn điều khiển máy móc, thiết bị. Nhiều tập đoàn quốc tế đã thành lập các trung tâm phát triển hoặc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ CNTT ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu thị trường A.T. Kearney (Mỹ) thường xuyên xếp Việt Nam vào top 5 điểm đến hấp dẫn nhất cho dịch vụ gia công CNTT.

Bài báo cho biết tập đoàn Bosch đang đẩy mạnh mạng lưới kỹ thuật số cho các sản phẩm của hãng với một trong những trung tâm phát triển phần mềm quan trọng nhất toàn cầu của Bosch tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi hiện có trên 3.000 lập trình viên làm việc cho công ty Bosch Global Software Technologies Việt Nam (BGSW) và số nhân lực này của Bosch chỉ đứng sau Ấn Độ. "Công xưởng" của Bosch tại Việt Nam sẽ còn quan trọng hơn nữa khi hãng dự kiến tăng gần gấp đôi số chuyên gia CNTT vào giữa thập kỷ này. Bosch mới đây cũng đã mở thêm một trung tâm phần mềm mới tại thủ đô Hà Nội. Theo ông Gaur Dattatreya, Giám đốc điều hành BGSW, Việt Nam là địa điểm rất thích hợp do có lượng lớn chuyên gia trẻ tuổi (trung bình 28 tuổi) và được đào tạo bài bản từ các trường đại học công lập và quốc tế có chất lượng cao, trong đó có trường Đại học Việt - Đức (VGU). Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh để có được các lập trình viên giỏi cũng tăng lên khi trong năm nay, Samsung đã hoàn thiện việc xây dựng một trung tâm công nghệ trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội để nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp dữ liệu lớn (Big Data). Nhà lập trình game của Pháp là Ubisoft cũng đã chọn và mở văn phòng tại Đà Nẵng với lý do Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á và có nhiều nhân tài trong hệ sinh thái. Hiện công ty có trên 80 nhân viên lập trình game tại đây.

Trong khi đó, các nhà phát triển phần mềm ứng dụng ở Việt Nam cũng đang vươn lên đứng đầu khu vực. Theo số liệu của hãng phân tích và dữ liệu ứng dụng Data.ai, 7 trong số 20 ứng dụng được tải xuống thường xuyên nhất ở Đông Nam Á đến từ Việt Nam. Điển hình trong số này là trò chơi chuỗi khối "Axie Infinity" của nhà phát hành game Việt Sky Mavis vốn trở thành tựa game đình đám thế giới trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Theo một nghiên cứu của tập đoàn Google, Temasek (quỹ nhà nước Singapore) và công ty tư vấn Bain, nền kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á, với doanh số hằng năm tăng gấp hơn 10 lần, từ mức 21 tỷ USD hiện nay lên 220 tỷ USD vào năm 2030.

Nguồn: TTXVN