Trường hợp nào chơi bài Poker bị coi là đánh bạc bất hợp pháp tại Việt Nam?
Bộ Công an cho biết, hình thức chơi Poker dùng tiền mua phỉnh, sau đó lại lấy phỉnh đổi thành tiền là đánh bạc trái phép, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hình thức chơi Poker tự phát, mang tính "sát phạt" đều là hành vi đánh bạc trái phép
Poker là trò chơi bài đánh bạc mà một phần hoặc toàn bộ lá bài không được mở. Thay vào đó, người chơi cược thêm tiền cược để có thể tiếp tục mở những lá bài ẩn. Ai có liên kết bài tốt nhất sẽ là người chiến thắng và thu về số tiền cược trên bàn.
Chơi Poker thường có 2 hình thức: đánh giải (tournament) và dùng tiền (như trong sòng bạc/casino). Theo đó, chơi trong casino sẽ dùng tiền mua phỉnh, sau đó lại lấy phỉnh đổi thành tiền. Phỉnh (còn gọi là chip, token, check, hoặc cheque) là một dụng cụ có hình dáng tương tự như đồng tiền nhưng dày hơn, được sử dụng trong các sòng bạc thay cho việc đặt cược trực tiếp tiền hoặc đá quý vì các lý do an ninh.
Vậy hành vi lấy phỉnh đổi thành tiền có được coi là đánh bạc bất hợp pháp hay không? Bộ môn này có được phép hoạt động tại Việt Nam không? Chơi Poker thế nào là hợp pháp, thế nào là vi phạm pháp luật?
Trước những thắc mắc này của người dân, Bộ Công an cho biết, Poker là môn thể thao trí tuệ bắt nguồn từ các nước châu Âu và phát triển dần sang các nước châu Á.
Trò chơi này du nhập vào Việt Nam theo hình thức tự phát khoảng 15 năm gần đây, theo đó, đến ngày 16/7/2014, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội thể thao Bridge&Poker Việt Nam. Hiệp hội này là thành viên của Ủy ban Olympic Việt Nam, chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được quyền tham dự và là thành viên của các hiệp hội bridge và Poker quốc tế.
Poker tại Việt Nam ngày càng phát triển với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ. Tuy nhiên, Poker chỉ được cấp phép hoạt động dưới hình thức tổ chức giải thi đấu (tournament) với mục đích tạo sân chơi bổ ích và cọ sát trình độ cho các vận động viên tại Việt Nam. Thông tin về các giải thi đấu sẽ được các câu lạc bộ công bố trên các phương tiện truyền thông.
Hình thức này sẽ yêu cầu người chơi đóng lệ phí tham gia (buy-in). Lệ phí thu được sẽ dùng trang trải một phần kinh phí tổ chức và một phần dùng để trao thưởng, những người chiến thắng sẽ nhận được mức thưởng nhất định tùy theo thứ hạng.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cho phép một số đối tượng được chơi Poker trong casino đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2017/NĐ-CP để điều chỉnh hoạt động kinh doanh casino nhưng vấn đề cho người Việt Nam vào chơi vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm.
Tất cả những trường hợp chơi Poker tự phát, tổ chức hay tham gia chơi Poker dưới các hình thức khác mang tính "sát phạt", hay chơi với mục đích được - thua bằng tiền, tài sản, hiện vật, phỉnh (rồi đổi thành tiền) và không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực chất đều là hành vi đánh bạc bất hợp pháp, không được phép ở Việt Nam.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép, che giấu việc đánh bạc như thế nào?
Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép như sau:
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác; bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng; giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép; bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép; chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đánh bạc sau đây: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc; đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây: Làm chủ lô, đề; tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề; tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
Ngoài việc bị phạt tiền, tùy hành vi vi phạm mà có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng, trục xuất người nước ngoài và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm có thể áp dụng mức phạt bằng 2 lần cá nhân (theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Khi nào đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự?
Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Đánh bạc" như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google