Trước năm 2023, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19

Bảo Châu
17:32 - 13/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là nhận định của Tiến sĩ Shane Fairlie, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường

Hiện, trên thế giới, dịch COVID-19 đang tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 3,320 triệu ca mắc mới. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 10.807. Cũng trong tuần qua, Nhật Bản là nước ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (753.974 ca), tiếp đó là Hàn Quốc (479.625 ca), Mỹ (358.567 ca).

Tiến sĩ Shane Fairlie, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.

Trước năm 2023, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Shane Fairlie, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân COVID-19 nặng ở Việt Nam tăng nhanh

Theo báo cáo của Bộ Y tế trong Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày qua (5/9 - 11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua). Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.441.626 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.626 ca nhiễm).

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 12/9 của Bộ Y tế: Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta tính đến nay là 10.337.137 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1 triệu ca, trong đó có 174 ca nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ là 142 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC là 8 ca; Thở không xâm lấn là 4 ca; Thở xâm lấn là 20 ca. Số bệnh nhân nặng điều trị thở oxy, thở máy đang gia tăng. Ngày 11/9 là 113 ca thì đến ngày 12/9 đã lên 174 ca.

Tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca).
Báo cáo của Bộ Y tế tại Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Trước năm 2023, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Hình ảnh trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ Y tế

Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Phát biểu kết luận tại phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; cùng các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vaccine; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế triển khai Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh". Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9 đến ngày 31/10/2022, với nhiều hoạt động truyền thông.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới: Thông điệp 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Bình luận của bạn

Bình luận