Trước kì nghỉ lễ 30/4-1/5 - giáo viên lại đôn đáo dạy bù

Phan Huyền
17:38 - 11/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2023 cả tháng, các trường đã lên lịch dạy bù cho giáo viên. Giáo viên đương nhiên dạy bù mỗi khi có kì nghỉ lễ - việc đã thành lệ?

Giáo viên miệt mài dạy bù đón kì nghỉ lễ 30/4-1/5 

Năm 2023, kì nghỉ lễ 30/4-1/5 sẽ diễn ra sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên năm nay sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài hạn tổng cộng 4 ngày (29/4, 30/4,1/5,2/5).

Tuy nhiên, do Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 rơi vào ngày thứ 7 (29/4) nên người lao động và học sinh sinh viên không có lịch làm việc vào thứ 7 sẽ được nghỉ bù thêm 1 ngày đến 3/5 và làm việc lại vào ngày 4/5.

Nếu như các ngành nghề khác, những ngày lễ được nghỉ theo quy định thì với ngành giáo dục nghỉ mà như không được nghỉ. 

Bởi giáo viên cũng sẽ nghỉ lễ nhưng trước hoặc sau ngày nghỉ thầy trò phải "vắt chân lên cổ" để chạy chương trình cho kịp theo quy định.

Học sinh phải học dồn, học nén còn giáo viên ngoài việc dạy bù còn phải lên lịch, làm kế hoạch dạy bù sao cho phù hợp để cấp trên duyệt. Không ít thầy cô tâm tư "nghỉ lễ mà bắt học bù, thà cứ học đúng lịch còn hơn". 

Theo quy định trên, học sinh tiểu học sẽ được nghỉ học thứ hai, thứ ba, thứ tư. Học sinh trung học sẽ được nghỉ học 2 ngày là thứ hai và thứ ba. Mỗi ngày, học sinh tiểu học có 7 tiết, 3 ngày nghỉ sẽ có 21 tiết học.

Theo một số nhà quản lý, dù nghỉ lễ theo quy định nhưng giáo viên bắt buộc phải dạy bù. Bởi, không dạy sẽ không thể kết thúc năm học như dự kiến.

Đơn cử, kế hoạch năm học ở một số địa phương đã ấn định thời gian kết thúc chương trình chậm nhất vào ngày 25/5. Do nghỉ lễ Tết dương lịch 1 ngày, nghỉ lễ dịp sắp tới thêm 3 ngày thì số tiết học thiếu hụt gần 30 tiết. Thế là, mỗi địa phương, mỗi trường học lại phải lên kế hoạch dạy bù.

Trước vào sau kì nghỉ lễ 30/4-1/5 giáo viên phải dạy bù, nhà trường có sai?

Các ngày lễ hằng năm được quy định như Giỗ tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam, Quốc tế Lao động, Quốc khánh, Tết Dương lịch… cán bộ công chức, viên chức và người lao động đều được nghỉ làm.

Khoản 1 điều 111 Bộ luật Lao động 2019 còn quy định: "Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp."

Tuy nhiên, không ít trường học hiện nay không áp dụng quy định này và buộc giáo viên phải dạy bù bằng nhiều hình thức. Có nơi yêu cầu dạy thứ 7 cho học sinh tiểu học, nơi yêu cầu dạy chủ nhật, nơi lại cắt tiết của giáo viên bù vào những tiết chưa dạy bù, nơi yêu cầu dạy đôn tiết trong các tiết buổi chiều, nơi tan buổi học, yêu cầu học sinh ở lại để học bù tiết…

Quy định nghỉ lễ trúng vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp đã được đưa vào Bộ luật Lao động. Nếu nơi nào thực hiện khác đi đương nhiên là đã vi phạm quy định của luật.

Nhiều giáo viên thắc mắc "nghỉ lễ sao lại phải dạy bù?". Tại sao các trường không ra kế hoạch có biên độ về tiết dạy và học, trong đó đã tính đến các ngày nghỉ của thầy và trò? 

Điều 115 "Bộ Luật lao động 2019" về nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương như sau:

Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch)

Tết Âm lịch 05 ngày

Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch)

Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch)

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch)

Theo những quy định dẫn chiếu này, ngày nghỉ lễ là ngày người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương và không có trách nhiệm phải đi làm bù.

Do vậy, giáo viên là người lao động trong trường học thì vẫn được đảm bảo thời gian nghỉ lễ hưởng nguyên lương theo đúng quy định của pháp luật và không cần phải đi làm bù sau khi được giải quyết nghỉ lễ.

Tuy nhiên trên thực tế, do tính chất công việc của giáo viên, các trường học thường yêu cầu giáo viên dạy bù để kịp chương trình học giữa các lớp. Nếu yêu cầu dạy bù ngày nghỉ lễ thì đây được xác định là thời gian làm thêm giờ, theo Điều 106 - Bộ luật lao động quy định.

Quy định đã thành Luật nhưng ngành giáo dục gần như đã bỏ qua và không áp dụng. Giáo viên nghỉ lễ nhưng vẫn luôn phải dạy bù như là một nhiệm vụ phải làm mang đến cho các thầy cô khá nhiều tâm tư.