Trước khi bị bắt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nói gì về phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
Không chỉ có những phát ngôn, chỉ đạo mạnh mẽ về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước khi bị bắt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" theo Quyết định của Thanh tra Chính phủ.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan bị bắt vì tội "Nhận hối lộ", do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (viết tắt Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (viết tắt Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan.
Tối 8/3, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc
Theo kết quả công bố của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, với 77,95 điểm/100 điểm, Vĩnh Phúc đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng của tỉnh luôn đạt số điểm trung bình các năm khoảng 18,5/20 điểm và tổng số điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm, trung bình đạt khoảng 70/100 điểm, được Thanh tra Chính phủ đánh giá thường xuyên nằm trong số 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại hội nghị lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc cuối tháng 7/2023, bà Hoàng Thị Thúy Lan khi đó là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị để kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục, tháo gỡ vướng mắc theo các kết luận giám sát, thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực kinh tế - xã hội; tập trung xử lý các dự án đầu tư trọng điểm đang gặp khó khăn vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán nhằm khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm thông báo, kết luận, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, kịp thời kiểm tra, rà soát, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán và xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" năm 2023
Trước đó, ngày 21/2/2023, phát biểu tại Hội nghị giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thuý Lan với vị trí công tác là Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định qua cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh là những gợi mở cả về lý luận và thực tiễn để Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhấn mạnh đây là nội dung đặc biệt quan trọng, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, sau hội nghị, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có kế hoạch cụ thể để giới thiệu, quảng bá cuốn sách đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ; đồng thời triển khai những công việc cụ thể để thực hiện tốt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Không chỉ có những phát ngôn mạnh mẽ về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bà Hoàng Thị Thúy Lan còn được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" theo Quyết định ngày 10/11/2023 của Thanh tra Chính phủ.
Chính vì có những phát ngôn và chỉ đạo quyết liệt trong việc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh nên việc bà Hoàng Thị Thúy Lan bị bắt vì tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và cảm thấy không thể tin được.
Theo đó, mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (viết tắt Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (viết tắt Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26/02/2024; căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, ngày 7/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định:
Khởi tố bổ sung vụ án về các tội "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quãng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan;
Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 9 bị can, trong đó có bà Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ngày 8/3, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google