Triệt phá đường dây làm giả con dấu, giấy tờ từ Campuchia về Việt Nam
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó vận chuyển từ Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây làm giả con dấu
Ngày 22/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây làm giả con dấu. Theo đó, cơ quan chức năng đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ và lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Thanh Linh (sinh năm 2000, nơi ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), Nguyễn Quốc Kiệt (sinh năm 1998), Nguyễn Hữu Thế (sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú ở ấp Cây Ổi, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và Nguyễn Hữu Thân (anh trai của Thế) về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Riêng Tiền Thị Tuyết Ngân (sinh năm 2005, nơi ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) được tại ngoại phục vụ điều tra do đang mang thai.
Trước đó, bằng nghiệp vụ, Phòng PC02 phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được đưa từ Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Khoảng 16 giờ ngày 13/9, công an bắt quả tang Ngân đang giao 9 hộp đựng giấy tờ giả cho nhân viên công ty vận chuyển để giao đến một căn nhà ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Một tài xế giao hàng xe công nghệ cũng đến giao cho Ngân 107 túi hồ sơ đựng nhiều giấy tờ giả.
Khám xét khẩn cấp nhà số 9 Tân Túc, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, PC02 phát hiện, thu giữ nhiều giấy tờ giả và đưa Ngân, Linh - chồng của Ngân, Kiệt về trụ sở làm việc.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an đã xác minh, truy xét và bắt giữ Thế và Thân - anh trai Thế.
Điều tra cho thấy, anh em Thế và Thân nhận các loại giấy tờ giả từ Campuchia đưa về Việt Nam rồi giao cho khách theo danh sách có sẵn. Thân đã thuê căn nhà số 9 Tân Túc, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh làm nơi tập kết “hàng hóa”, đóng gói giấy tờ giả thành bưu phẩm, bên trong chứa tài liệu giả kèm theo quần áo cũ nhằm ngụy trang, đối phó với lực lượng chức năng.
Sau khi đóng gói hàng thành phẩm, Thân chỉ đạo Ngân, Linh và Kiệt đặt giao hàng qua các ứng dụng cho Bưu cục để chuyển cho khách hàng bằng dịch vụ có thu hộ tiền (COD).
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, Công an thu giữ thêm nhiều giấy tờ giả, trong đó có bằng cấp các loại, giấy đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, giấy tờ tùy thân…
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục củng cố chứng cứ, mở rộng điều tra, truy xét và xử lý tất cả các đối tượng liên quan.
Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Bộ luật Hình sự
- Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
+ Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 07 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
2. Xử phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu
Đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không thực hiện thủ tục cấp lại khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất;
+ Không thực hiện thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị hỏng;
+ Không thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng;
+ Không ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tự ý mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức mà không được phép của chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
+ Không đăng ký lại mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;
+ Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
+ Mất con dấu mà quá 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện mất con dấu, cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
+ Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;
+ Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
+ Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;
+ Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;
+ Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
+ Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;
+ Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;
+ Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;
+ Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;
+ Tiêu hủy trái phép con dấu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google