Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế toàn cầu

Anh Nguyễn
11:30 - 20/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lạm phát, gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu được cho là những nguyên nhân chính yếu khiến các dự báo đều không lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Người dân mua hàng hoá ở siêu thị tại Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu tháng sáu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9% - mức giảm đáng kể.

Cũng theo báo cáo của WB, trong số các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng cũng được dự báo sẽ giảm từ 6,6% vào năm 2021 xuống còn 3,4% vào năm 2022 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.  

Ayhan Kose,  Giám đốc Nhóm Triển vọng của WB cho biết: "Các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải cân bằng nhu cầu để đảm bảo tính bền vững tài khóa với yêu cầu giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đa tầng hiẹn nay đối với những người nghèo nhất".

Trong khi đó nhiều cuộc khảo sát khác cũng đưa ra các chỉ báo không mấy lạc quan đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Trong một kết quả khảo sát 750 giám đốc điều hành (CEO) và nhân sự cấp cao do công ty nghiên cứu Conference Board thực hiện, có tới hơn 60% CEO của các công ty trên toàn cầu dự báo nguy cơ suy thoái tại khu vực mà các công ty của họ hoạt động trong vòng 12-18 tháng tới.   

Theo khảo sát, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng, song chưa rõ liệu mức tăng trưởng này có được duy trì cho đến hết năm hay không.  

Việc đánh giá nguy cơ suy thoái ở châu Âu dựa trên hai  yếu tố: Một là, lạm phát ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng của các hộ gia đình và hai là, những gián đoạn nguồn cung mới do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. 

Trong khi đó, theo số liệu do Bank of America Global Research công bố ngày 17/6, kinh tế Mỹ có 40% nguy cơ rơi vào suy thoái vào năm tới.  Trong một cuộc thăm dò mới đây do tờ Financial Times thực hiện, gần 70% các nhà kinh tế hàng đầu cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái năm 2023 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng cường kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Trước đó, ngày 15/6, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, lên mức 1,5-1,75%, trong nỗ lực khống chế lạm phát chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt.

Dự báo của Bloomberg Economics công bố ngày 15/6 cho biết kinh tế Mỹ sẽ suy giảm vào đầu năm 2024. Theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hiện đã lên gần mức 75%, dù khả năng này mới chỉ xuất hiện cách đây vài tháng.

Theo định nghĩa, suy thoái kinh tế là khi các hoạt động kinh tế giảm sút trên diện rộng và kéo dài liên tiếp vài tháng. Quý 1 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 1,5%.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng sáu của WB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế đối với một số khu vực như sau:

Đông Á và Thái Bình Dương: Tăng trưởng được dự báo sẽ giảm tốc xuống 4,4% vào năm 2022 trước khi tăng lên 5,2% vào năm 2023.

Châu Âu và Trung Á: Nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ giảm 2,9% vào năm 2022 trước khi tăng 1,5% vào năm 2023.

Mỹ Latinh và Caribe: Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại còn 2,5% vào năm 2022 và 1,9% vào năm 2023.

Trung Đông và Bắc Phi: Tăng trưởng được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% vào năm 2022 trước khi chậm lại còn 3,6% vào năm 2023.

Nam Á: Tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại xuống còn 6,8% vào năm 2022 và 5,8% vào năm 2023.

Châu Phi cận Sahara: Tăng trưởng được dự báo sẽ ở mức trung bình ở mức 3,7% vào năm 2022 và tăng lên 3,8% vào năm 2023.