Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Vùng Đồng bằng sông Hồng

N.Cường
11:55 - 12/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 12/2, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững". Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng, mở ra "cơ hội mới đột phá" cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Theo VGP, tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hội nghị sẽ nghe các đại biểu tham luận, tập trung vào các chủ đề: Phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải Vùng Đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; giải pháp phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước; giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại Vùng Đồng bằng sông Hồng; giải pháp phát triển thị trường lao động gắn kết cung cầu lao động Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước…

Phấn đấu GRDP đạt 274 triệu đồng/người/năm

Trong Chương trình hành động, Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu cụ thể phát triển Vùng đến năm 2030.

Cụ thể, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP Vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn - viết tắt của Gross Regional Domestic Product): Là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh: "Toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của tỉnh trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế địa phương".

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt hơn 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 90%, trung học phổ thông đạt 68%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sĩ/vạn dân. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 4.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 14 /NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng tập trung chỉ đạo thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: 

(1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị;

(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng;

(3) Phát triển kinh tế vùng;

(4) Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại;

(5) Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số;

(6) Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

(7) Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân;

(8) Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

(9) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại;

(10) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp vùng phát triển đột phá, gồm: các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không, đầu tư xây dựng mới cảng biển trong vùng; đồng thời đã phân công cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.