Trí thông minh nhân tạo thay đổi cách mua và bán hàng

Trúc Phong
13:15 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong lĩnh vực bán lẻ đang làm thay đổi cách mua và bán hàng. Thuận tiện nhiều hơn, nhưng rủi ro cũng không ít.

Trí thông minh nhân tạo thay đổi cách mua và bán hàng  - Ảnh 1.

Nhập bằng mã QR cho phép mua sắm tiết kiệm thời gian. Ảnh: Carrefour/ euronews

Với AI, không chỉ đơn thuần là mua và bán  

Trong cửa hàng sử dụng AI, robot kiểm kê có thể tự động bổ sung hàng hóa lên các kệ hàng khi hàng sắp hết. Hơn thế nữa, các bộ cảm biến của robot có thể theo dõi lưu lượng khách hàng vào cửa hàng và nhu cầu mua các loại mặt hàng, từ đó đưa ra phương án nên xếp mặt hàng nào, ở đâu, trên các kệ hàng cho "bắt mắt", đạt hiệu quả bán hàng cao nhất.

Các mặt hàng bán kèm cùng các thông số liên quan cũng được chỉnh sửa phù hợp với từng đối tượng mua hàng cụ thể. Các thông tin được liên tục cập nhật để kích thích sự quan tâm và nhu cầu của người mua, chẳng hạn như thông báo nguồn hàng sắp hết.

Một phần mềm bổ sung khác để mở rộng các dịch vụ, tư vấn mua sắm, cũng được sử dụng để nâng cao hiệu quả bán lẻ thông qua sử dụng AI. Chẳng hạn, với phần mềm gia dụng, người tiêu dùng có thể tải lên hình ảnh căn phòng của mình và thông qua ứng dụng này có thể tham khảo các cách bố trí, phối màu, chọn phụ kiện phù hợp do máy tính gợi ý.

Hoặc, khi mua quần áo, người mua có thể tải hình ảnh của mình lên để "thử" quần áo và AI không chỉ giúp lựa chọn quần áo, các phụ kiện kết hợp với trang phục, mà còn gợi ý cả kiểu tóc phù hợp nữa.

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực bán lẻ

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình tích hợp AI vào bán lẻ diễn ra nhanh chóng hơn vì đáp ứng yêu cầu mua sắm không tiếp xúc.

Với "thị giác máy tính", AI có thể "nhìn thấy" chính xác các mặt hàng trong giỏ của khách hàng và tính toán giá cả của các mặt hàng đó, thay thế cho vị trí của nhân viên thanh toán phải đứng quét mã vạch các mặt hàng.

Với Flash 10/10, khách hàng chỉ mất "10 giây để mua sắm và 10 giây để thanh toán" và có quyền truy cập vào "900 mặt hàng trong nháy mắt".

Nhà bán lẻ khổng lồ của Pháp Carrefour đã khai trương một cửa hàng được AI hỗ trợ ở Paris vào tháng 11/2021, với tên gọi Flash 10/10. Elodie Perthuisot, Giám đốc Điều hành thương mại điện tử, dữ liệu và chuyển đổi kỹ thuật số của Carrefour Group cho biết: "Khái niệm Flash đáp ứng sự mong đợi của khách hàng. Họ muốn có thể vào cửa hàng dễ dàng, biết họ đang mua gì, thanh toán nhanh chóng và sau đó rời đi".

Với Flash 10/10, khách hàng chỉ mất "10 giây để mua sắm và 10 giây để thanh toán" và có quyền truy cập vào "900 mặt hàng trong nháy mắt".

Để bảo đảm bí mật hình ảnh, khách hàng được ẩn danh dưới dạng hình đại diện ảo ngay khi bước vào cửa hàng.

Khi chọn một sản phẩm, sản phẩm đó sẽ tự động được thêm vào giỏ hàng ảo. AI xác nhận giao dịch mua bằng cách chuyển qua thiết bị thanh toán và thực hiện thanh toán không tiếp xúc.

Các cửa hàng được hỗ trợ bởi AI hoạt động như thế nào?

Vào tháng 9, cửa hàng đầu tiên sử dụng AI ở Trung Đông, Carrefour City +, đã được khai trương tại Mall of the Emirates, Dubai.

Khách hàng sử dụng điện thoại của họ để truy cập vào cửa hàng. Khi vào bên trong, các camera AI sẽ thấy các khách hàng chọn gì và cho các mặt hàng đó vào giỏ mua sắm kỹ thuật số của khách hàng. Việc mua hàng được hoàn tất và khách ra khỏi cửa hàng.

Gã khổng lồ bán lẻ và giải trí Majid Al Futtaim, có trụ sở tại UAE được thiết kế để "tạo điều kiện mua sắm nhanh chóng và không cần tiếp xúc" bằng cách sử dụng công nghệ AI.

Giám đốc điều hành bán lẻ Majid Al Futtaim Hani Weiss cho biết: "Cửa hàng là sự thể hiện một bước tiến vượt bậc đối với lĩnh vực bán lẻ ở UAE khi Carrefour tiếp tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại đồng thời đón đầu các xu hướng mua sắm trong tương lai".

Rủi ro từ việc dữ liệu cá nhân bị chiếm dụng

Trong thời đại Big data, dữ liệu là mỏ vàng của các nhà bán lẻ. Họ chính là người thu giữ được chính xác nhất những dữ liệu về khách hàng, tổng hợp, phân tích hành vi, nhu cầu, xu hướng mua sắm của khách hàng để cung cấp cho doanh nghiệp.

Thực tế là, các nhà tiếp thị AI ngày nay đang thu thập (tổng hợp) được một lượng lớn dữ liệu từ người mua sắm và tìm kiếm (khai thác) dữ liệu đó cho các từ khóa và thông tin để có thể đưa các sản phẩm phù hợp trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc mua sắm thông qua sử dụng AI, vì thế, cũng có mặt trái của nó. Mua sắm trực tiếp, nghe và xem tiếp thị trực tiếp có thể không thuận tiện nhưng tính bảo mật thông tin cá nhân lại cao. Còn với người mua sắm bằng sử dụng AI rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của thư rác hoặc những thứ nghiêm trọng hơn nếu dữ liệu của họ bị nhà quảng cáo hoặc tội phạm mạng đánh cắp, chiếm dụng.

Ở châu Âu, có luật bảo vệ công chúng khỏi các hoạt động tiếp thị quá khích và xâm phạm quyền riêng tư. Theo Điều 8, Bảo vệ dữ liệu cá nhân, mọi người đều có quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Điều khoản nêu rõ: "Dữ liệu đó phải được xử lý công bằng cho các mục đích cụ thể và trên cơ sở sự đồng ý của người có liên quan hoặc một số cơ sở hợp pháp khác do pháp luật quy định". Tuy nhiên, bên ngoài châu Âu, các luật được áp dụng khác nhau. Và có vẻ như luật pháp chưa theo kịp để xử lý những phát sinh do sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Nguồn: euronews