Công dân khuyến học

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trang Linh

Trang Linh

11:11 - 06/05/2025
Công dân & Khuyến học trên

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Chính phủ trình Quốc hội ngày 6/5 đề cập đến chủ trương trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả hoạt động chuyên môn, xây dựng bộ máy và chi tiêu theo cơ chế khoán.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học để thúc đẩy đổi mới sáng tạo- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: TTXVN

Ngày 6/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày báo cáo Quốc hội về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Dự thảo Luật đã dành riêng chương IV với nhiều chính sách nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được tính chi phí khấu trừ thuế (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là nơi đưa kết quả nghiên cứu khoa học đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng. Các chính sách tập trung vào mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kích thích các doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ".

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học để thúc đẩy đổi mới sáng tạo- Ảnh 2.

Đề xuất cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp. Ảnh: USTH


Đề xuất sửa đổi 7 luật để đồng bộ dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngoài ra, Dự thảo Luật đề xuất sửa một số điều liên quan đến 7 luật để tạo thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đất đai, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được triển khai thuận lợi trong thực tiễn và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi đổi mới sáng tạo; cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 28) và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỉ lệ vốn góp.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Lê Quang Huy thông tin, doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. 

Do đó, cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Huy, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc không tiếp tục quy định “Viện hàn lâm” là một hình thức tổ chức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xây dựng và thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và kỹ thuật vì hiện nay đã trở thành động lực trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần làm rõ vị trí pháp lý của cơ sở giáo dục đại học với tư cách tổ chức khoa học và công nghệ, phân biệt rõ với các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, bảo đảm thống nhất với Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới, có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mang tầm chiến lược. 

Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính, cũng như có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.

Về tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các quy định để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, xã hội và từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ; bổ sung quy định việc kết nối, liên thông, phối hợp, đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh manh mún, dàn trải.

Ông Lê Quang Huy đề nghị "giải trình về tính phù hợp, cơ chế quản lý, nguồn ngân sách chi cho các quỹ, hiệu quả sử dụng khi quy định 5 loại quỹ trong dự thảo Luật. Về cơ chế quản lý kinh phí, đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm".

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon